Liên Bộ Nội vụ - Tài chính hướng dẫn về chính sách tinh giản biên chế

Liên Bộ Nội vụ - Tài chính hướng dẫn về chính sách tinh giản biên chế 08/05/2015 10:13:00 2253

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Liên Bộ Nội vụ - Tài chính hướng dẫn về chính sách tinh giản biên chế

08/05/2015 10:13:00

Ngày 20 tháng 11 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Tại Nghị định có giao Bộ Nội Vụ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định. Theo đó, ngày 14 tháng 04 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã  ban hành Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Nội dung chính của Thông tư tập trung vào các quy định về phương pháp tính toán các chính sách tinh giản biên chế và việc bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Về phương pháp tính toán các chính sách tinh giản biên chế, Thông tư quy định cụ thể về cách tính toán cho từng trường hợp thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP như chính sách về hưu trước tuổi; chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước; chính sách thôi việc ngay; chính sách thôi việc sau khi đi học nghề;  chính sách đối với những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ khác có phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới thấp hơn do sắp xếp tổ chức.

Đối với chính sách về hưu trước tuổi, các đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách này sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể còn được hưởng các chế độ như được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm (đủ 12 tháng) nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng đủ bảo hiểm xã hội; được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng) kể từ năm thứ hai mươi mốt trở đi.

Đối với những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước thì được hưởng các khoản trợ cấp như được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng; được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng).

Đối với những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, có nguyện vọng đi học nghề để tự tìm việc làm mới, thì được hưởng các chế độ như được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 06 tháng; được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 06 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề; sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 03 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm; được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng); trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính là thời gian thâm niên để nâng lương hàng năm.

Về nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, Thông tư quy định thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành. Theo đó, đối với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP do Trung ương quản lý do ngân sách Trung ương đảm bảo; đối với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP do địa phương quản lý do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành. Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương 100% nhu cầu kinh phí tinh giản biên chế do ngân sách Nhà nước cấp bổ sung.

Ngoài ra, để thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách, Thông tư đã quy định cụ thể về kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế đối với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã; kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập và trong một số trường hợp cụ thể khác như kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế đối với người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các Hội; kinh phí giải quyết chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với một số chức danh theo quy định của pháp luật làm việc trong cơ quan Liên đoàn lao động Việt Nam.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 5 năm 2015 và có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021. Các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư được tính hưởng kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2015./.

                                                                                                             Thúy Lâm