Trong tháng 01/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 8 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) phục vụ hoạt động huy động vốn của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Theo đó, tổng khối lượng trái phiếu trúng thầu đạt 32.832 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 96,56%, đạt 30,40% kế hoạch phát hành quý I và đạt 8,21% kế hoạch phát hành năm 2023.
Lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ có xu hướng giảm
Kho bạc Nhà nước cho biết, trái phiếu phát hành trong tháng 01/2023 có kỳ hạn 10 năm và 15 năm, với tỷ trọng lần lượt là 49,74% và 50,26%. Lãi suất trúng thầu của TPCP tại kỳ hạn 10 năm và 15 năm giảm liên tục qua các phiên, tại phiên cuối tháng 01/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 4,36% và 4,56%, giảm lần lượt là 29 điểm và 24 điểm cơ bản so với phiên cuối cùng của tháng trước. Như vậy, sau giai đoạn lãi suất huy động tăng liên tiếp từ tháng 02/2022 đến nay, mức cao nhất là 4,9%/năm trong tháng 12/2022, đã có xu hướng giảm trở lại trong tháng 01/2023.
Thị trường giao dịch thứ cấp TPCP tháng 01/2023 có tổng giá trị giao dịch đạt 65.790 tỷ đồng, bình quân phiên đạt 3.549 tỷ đồng/phiên, giảm 9,48% so với tháng 12/2022, trong đó giao dịch Outright chiếm 53,74% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, còn lại là giao dịch Repos.
Lợi suất giao dịch bình quân của TPCP do KBNN phát hành tăng nhiều nhất ở các kỳ hạn 15 - 20 năm và 1 năm, đang đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 4,91% và 4,50%; giảm nhiều nhất ở kỳ hạn 2 năm và 20 - 25 năm, hiện đang đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 4,17% và 5,01%, cho thấy xu hướng tăng giảm đối lập của lợi suất giao dịch công cụ nợ.
Về kỳ hạn, các kỳ hạn trung và dài hạn là các kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất toàn thị trường, tập trung tại các kỳ hạn 10 năm, 7 - 10 năm, và 10 - 15 năm với tỷ trọng tương ứng là 20,18%; 19,11% và 12,85%.
Đối với giao dịch Outright, kỳ hạn 7 - 10 năm, 10 năm và 20 - 25 năm có tỷ trọng giao dịch lớn nhất. Đối với giao dịch Repos, kỳ hạn 10 - 15 năm và 10 năm được giao dịch nhiều nhất. HNX cho biết các số liệu thống kê nêu trên cho thấy thị trường chủ yếu giao dịch các công cụ nợ trung, dài hạn từ 7 năm trở lên.
Lợi suất trái phiếu chính phủ đối diện nhiều áp lực tăng
Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm tăng trở lại sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất vào đầu tháng 02/2023, điều này có thể gây ra một số áp lực đối với lợi suất TPCP của Việt Nam. Dự báo lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm khả năng đạt đỉnh quanh mức 5,5%/năm trong 6 tháng đầu năm 2023.
Dư địa tăng với lãi suất cho vay tiếp diễn, tuy nhiên có độ trễ và mức tăng có thể thấp hơn lãi suất huy động khi được kiểm soát chặt từ nhà điều hành. Biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động. Do đó, năm 2023 lãi suất cho vay được dự báo tăng. Tuy nhiên, trong trường hợp lãi suất huy động tạo đỉnh trong nửa đầu 2023, lãi suất cho vay có thể ghi nhận mức tăng thấp hơn lãi suất huy động, tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề, phân loại ưu tiên.
Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn hơn khi tỷ lệ hoàn vốn nội bộ đủ lớn để thực hiện dự án tăng lên. Đồng thời, rủi ro nợ xấu tăng cùng hạn mức tín dụng không quá dư thừa làm cho các ngân hàng thương mại sẽ lựa chọn kỹ hơn đối với danh mục phê duyệt tín dụng. Như vậy, áp lực tăng của mặt bằng lãi suất vẫn còn.
Năm 2023, lượng TPCP đáo hạn ước tính tăng khoảng 8% so với năm 2022. Theo ước tính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại Ngoại thương Việt Nam (VCBS), danh mục TPCP hiện kỳ hạn còn 10,02 năm với mức lãi suất trung bình 4,03%/năm. Tuy vậy, trong bối cảnh lãi suất vẫn tăng, sẽ khó để duy trì được mặt bằng lãi suất thấp như năm 2022. Do đó, không loại trừ khả năng KBNN sẽ tiến hành phát hành những kỳ hạn ngắn hơn nhằm tối đa hóa lợi ích cho Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
Đối với nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công, ước tính tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ có những cải thiện so với năm 2022 thể hiện ở quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm và quan trọng quốc gia, có tính liên kết vùng, hạ tầng đô thị lớn. Với mục tiêu rõ ràng về việc giải ngân có trọng điểm, áp lực về huy động thông qua kênh TPCP trong nước sẽ không lớn.
Thúc đẩy thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn chậm, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tốt, tồn ngân quỹ nhà nước ở mức cao, KBNN đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp triển khai công tác huy động vốn, trong đó tổ chức phát hành TPCP phù hợp với tiến độ thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công, nhu cầu trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương, tình hình ngân quỹ nhà nước và phù hợp với điều kiện thị trường.
Kho bạc Nhà nước cũng thực hiện đa dạng kỳ hạn TPCP, tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn từ 10 năm trở lên để tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ theo hướng kéo dài kỳ hạn phát hành; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thu, chi NSNN và khả năng huy động vốn từ nguồn TPCP và nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để xác định nhu cầu vay vốn của NSNN và trình Bộ điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP phù hợp.
Năm 2023, KBNN đặt mục tiêu sẽ hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm do Bộ Tài chính giao, đảm bảo tuân thủ quy định giới hạn tỷ lệ kỳ hạn theo Nghị quyết của Quốc hội.
Kho bạc Nhà nước đã công bố kế hoạch đấu thầu TPCP năm 2023 là 400 nghìn tỷ đồng TPCP thông qua hình thức đấu thầu trên HNX, gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Định hướng năm 2023 sẽ phát hành TPCP chủ động hiệu quả, theo sát diễn biến thị trường, tình hình thu và tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách trung ương. Trong quá trình thực hiện có thể có điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của NSNN.
Bên cạnh đó, điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp với định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của Chính phủ; phát hành đa dạng các loại kỳ hạn, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư để thúc đẩy thanh khoản của thị trường TPCP, tăng khả năng huy động vốn cho ngân sách và hỗ trợ phát triển thị trường vốn. Song song với đó, bám sát diễn biến thị trường, tình hình thu, chi NSNN để điều hành công tác huy động vốn linh hoạt, vừa đảm bảo huy động đủ cho nhu cầu của ngân sách trung ương, vừa duy trì lãi suất phát hành hợp lý, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tiết kiệm chi phí vay cho NSNN.
Minh Hiền