Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Sẽ giảm nhanh các ngân hàng yếu kém”

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Sẽ giảm nhanh các ngân hàng yếu kém” 06/12/2011 09:55:00 281

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Sẽ giảm nhanh các ngân hàng yếu kém”

06/12/2011 09:55:00

Đây là một nội dung có trong báo cáo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (CG) năm 2011, diễn ra hôm nay (6/12) tại Hà Nội.

Tại hội nghị này, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam là một chủ đề chính và dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận.

Trong báo cáo “Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra 7 nhóm biện pháp tái cấu trúc sẽ triển khai trong thời gian tới.

Thứ nhất, hoàn thiện và đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới, các quy định về an toàn và phòng tránh rủi ro theo hướng tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế; tăng cường vai trò giám sát của ngân hàng nhà nước trong việc thực hiện các tiêu chuẩn này.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách để những ngân hàng thương mại có đủ điều kiện phát triển nhanh và cạnh tranh có hiệu quả trong nước và quốc tế; đồng thời, khuyến khích các ngân hàng mở rộng địa bàn hoạt động phục vụ nông nghiệp và nông thôn.

Thứ ba, thực hiện cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, nâng cao tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, chất lượng các dịch vụ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động để ngân hàng thương mại nhà nước thực sự làm nòng cốt trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại cả nước.

Thứ tư, bổ sung hoàn thiện thể chế để các ngân hàng thương mại cổ phần nâng cao chất lượng quản trị, hoạt động minh bạch, thực sự là ngân hàng đại chúng; quy định mức vốn tối thiểu và lộ trình thực hiện phù hợp với quy mô và địa bàn hoạt động.

Thứ năm, xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm.

Thứ sáu, kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng ở nông thôn. Việc thành lập mới các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, kể cả thành lập mới các hợp tác xã tín dụng ở địa bàn nông thôn phải được thẩm định chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ bảy, phối hợp có hiệu quả việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng với việc cơ cấu lại và phát triển mạnh các phân khúc khác các thị trường tài chính như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo những tiêu chuẩn quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Thực hiện công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các định chế tài chính này.

Như đã trình bày trước Quốc hội, trong báo cáo trên, một lần nữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh mục tiêu trong 5 năm sắp tới là Việt Nam phấn đấu có 2 ngân hàng đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực, có từ 10 đến 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng sẽ có những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động trong phân khúc thị trường nhất định. “Chúng tôi hướng tới và đang triển khai các đề án xây dựng các tổ chức tài chính quy mô nhỏ để đảm bảo rằng mọi tầng lớp xã hội, đồng bào ở các địa bàn khác nhau đều có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng”, Thống đốc Bình cho biết.

Theo ông, việc tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng là một nội dung rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trong nhiều năm.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến từ nay đến năm 2013 sẽ thực hiện phân nhóm các tổ chức tín dụng, hỗ trợ thanh khoản đối với các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, xây dựng phương án tái cấu trúc và thực hiện tái cấu trúc toàn diện các ngân hàng hoạt động chưa tốt để sau đó tiến hành hoàn thiện tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng vào năm 2015.

Những bước đi đầu tiên của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã và đang được ngành ngân hàng triển khai thận trọng, đảm bảo an toàn. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh trong báo cáo: “Ngân hàng Nhà nước một lần nữa xin khẳng định rằng, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình, đảm bảo trong quá trình tái cơ cấu không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng, rối loạn tài chính và mất an toàn hoạt động ngân hàng, nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề của hệ thống các tổ chức tín dụng”.

(Theo VnEconomy)