Những giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới

Những giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới 24/11/2015 20:48:00 4553

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Những giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới

24/11/2015 20:48:00

  Trong những năm qua, thị trường trái phiếu đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho nên kinh tế. Trong thời gian tiếp theo, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững, thanh khoản cao, và từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế với mục tiêu cụ thể là tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP trong năm 2020 với những giải pháp cụ thể như sau:

  Thứ nhất là Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường và thông lệ quốc tế cụ thể như sau:

  (i) Đối với trái phiếu doanh nghiệp: Đánh giá triển khai thực hiện Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP với các điểm sửa đổi bổ sung đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

  (ii) Đối với trái phiếu Chính phủ: Tiếp tục nghiên cứu ban hành các sản phẩm mới để đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thanh khoản để thành lập hệ thống nhà tạo lập thị trường từ hệ thống thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ.

  (iii) Tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định Quỹ hưu trí tự nguyện để thúc đẩy nhu cầu đầu tư dài hạn trên thị trường trái phiếu.

  Thứ hai là phối hợp với NHNN trong việc điều hành thị trường tài khoá và thị trường tiền tệ, đảm bảo lãi suất phát hành trái phiếu và lãi suất tiền tệ được ổn định, ít biến động lớn.

  Thứ ba là phát triển hệ thống nhà đầu tư: Khuyến khích phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường như Quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm,... giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống các ngân hàng thương mại. Tiếp tục xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài với các giải pháp căn bản (i) Ổn định nền kinh tế vĩ mô; (ii) Xây dựng và phát triển các sản phẩm trái phiếu phái sinh như hợp đồng, kỳ hạn,... để phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu; (iii) Tăng cường tính công khai minh bạch trên thị trường thông qua xây dựng trang thông tin điện tử chuyên biệt cho thị trường trái phiếu gồm đầy đủ dữ liệu thông tin về thị trường.

  Thứ tư là phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên cơ sở hệ thống thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với các giải pháp như (i) ban hành khuôn khổ pháp lý về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường, theo đó nâng cao trách nhiệm của các thành viên đấu thầu trên thị trường sơ cấp; (ii) Thúc đẩy nhanh quá trình đăng ký, lưu ký, niêm yết giao dịch, nghiệp vụ repo, cung cấp thông tin giá cả nhằm hỗ trợ sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp; (iii) tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách về cơ chế hỗ trợ thanh khoản trên thị trường để tiến tới quy định thêm nghĩa vụ đối với các nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp là chào giá cam kết 2 chiều; (iv) Tăng cường các cuộc đối thoại định kỳ với thành viên để nắm bắt nhu cầu và vướng mắc trong triển khai hệ thống thành viên đấu thầu.

  Thứ năm là phát triển hệ thống công nghệ thông tin: Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin trên thị trường để đảm bảo hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu diễn ra thông suốt; rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết trái phiếu tạo thanh khoản trên thị trường.

  Thứ sáu là xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường tính công khai minh bạch, thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.