Bộ Tài chính hình thành tài chính điện tử hướng tới tài chính số (Phần 2)

Bộ Tài chính hình thành tài chính điện tử hướng tới tài chính số (Phần 2) 13/08/2021 16:51:00 1045

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Bộ Tài chính hình thành tài chính điện tử hướng tới tài chính số (Phần 2)

13/08/2021 16:51:00

Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chú trọng chuẩn bị, xây dựng và phát triển kỹ lưỡng về hạ tầng số nhằm sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và thực hiện quá trình chuyển đổi số theo chủ trương của Chính phủ.

image

Ảnh minh họa – nguồn: internet.

Sẽ triển khai dịch vụ điện toán đám mây riêng

Hiện nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức nghiệp vụ được trang bị máy tính, trong đó khoảng 90% máy tính có kết nối internet (sử dụng các giải pháp kết nối internet an toàn). Bộ Tài chính đã thiết lập hệ thống mạng hạ tầng truyền thông ngành Tài chính (mạng diện rộng – WAN) để đảm bảo kết nối trao đổi dữ liệu cho 2.737 đơn vị trong toàn ngành.

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều đã trang bị các hệ thống kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin và triển khai áp dụng các giải pháp an toàn bảo mật chuyên dụng ở mức ứng dụng, cơ sở dữ liệu, bảo vệ máy chủ ảo hóa, chống nguy cơ tấn công có chủ đích; hệ thống lưu trữ, sao lưu (backup online) tập trung. Một số Tổng cục thuộc Bộ đã thiết lập dự phòng thảm họa cho các hệ thống thông tin quan trọng.

Ngành Tài chính đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ trong hệ thống CNTT từ năm 2007, các đơn vị trong ngành Tài chính có hệ thống ảo hóa mạnh mẽ (khoảng 90% số máy chủ chạy trên nền tảng ảo hóa). Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng giải pháp kỹ thuật, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cho phép triển khai dịch vụ điện toán đám mây riêng của ngành Tài chính trong giai đoạn 2021-2025.

Bộ Tài chính đã triển khai kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng Cơ quan Đảng, Nhà nước tại TTM Hà Nội (các đơn vị Tổng cục thông qua mạng WAN để truy cập tới mạng chuyên dùng Cơ quan Đảng, Nhà nước) từ năm 2009 nhằm phục vụ kết nối trao đổi thông tin với Văn phòng Chính phủ và các Bộ Ban ngành khác, đảm bảo việc trao đổi thông tin giữa các hệ thống ứng dụng trong và ngoài ngành được quản lý, giám sát thống nhất, đồng bộ (văn bản điều hành, dịch vụ công trực tuyến, hội nghị truyền hình trực tuyến: họp giao ban Chính phủ, Phòng chống dịch Covid-19,…).

Các hệ thống CNTT của ngành Tài chính đều được trang bị bản quyền theo quy định của pháp luật, đảm bảo cho các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính hoạt động ổn định, an toàn.

Sớm kết nối chia sẻ dữ liệu

Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính đã được thực hiện từ rất sớm (bắt đầu từ năm 2007) và ngày càng mở rộng về số lượng đơn vị tham gia kết nối, chia sẻ; tần suất kết nối, chia sẻ; loại dữ liệu chia sẻ. Hiện toàn ngành Tài chính có khoảng 31 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị: 17 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính với các đơn vị ngoài ngành và 14 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính với nhau.

Các kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính chủ yếu được triển khai thực hiện ở các đơn vị như: Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan, khối cơ quan Bộ. Một số kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêu biểu trong ngành gồm: Kết nối, liên thông văn bản điện tử thông qua trục liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính; Kết nối, chia sẻ thông tin số thu ngân sách nhà nước qua Hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu số ngành Tài chính (trước đây gọi là hệ thống Trung tâm trao đổi thông tin thu NSNN tại Bộ Tài chính); Kết nối, chia sẻ dữ liệu thuộc cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung ngành Tài chính với các đơn vị trong ngành qua Hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu số ngành Tài chính; Kết nối, chia sẻ thông tin về trạng thái hoạt động của doanh nghiệp, thông tin đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thu giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan qua hệ thống T2C (Tax to Customs),....

Xuất phát từ nhu cầu nghiệp vụ của đơn vị và được thực hiện dưới hình thức thỏa thuận, quy chế hợp tác giữa đơn vị chủ quản dữ liệu (ví dụ như Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan) với đơn vị ngoài ngành có nhu cầu khai thác, sử dụng dữ liệu của đơn vị chủ quản dữ liệu và ngược lại. Một số hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêu biểu gồm: Dịch vụ thanh toán điện tử (e-payment) nhằm kết nối, chia sẻ các thông tin phục vụ thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước (trong đó Ngân hàng Nhà nước chủ trì mạng thanh toán liên ngân hàng quốc gia quy định chuẩn trao đổi thông tin và cả công cụ phần mềm trao đổi thông tin cho mọi tổ chức thành viên) và thanh toán điện tử giữa Kho bạc Nhà nước với các ngân hàng thương mại (trên cơ sở thỏa thuận song phương về kỹ thuật và nghiệp vụ); Hệ thống tích hợp nộp thuế điện tử thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu giữa ba cơ quan: Thuế - Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại; Hệ thống liên thông điện tử tự động giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin đăng ký thuế; Hệ thống trao đổi thông tin doanh nghiệp giữa Tổng cục Thuế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hệ thống trao đổi thông tin liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Hệ thống trao đổi dữ liệu lệ phí trước bạ điện tử giữa Tổng cục Thuế với Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an; Hệ thống trao đổi thông tin giữa Tổng cục Thuế với Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Hệ thống kết nối trao đổi thông tin giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổng cục Thuế; Triển khai kết nối giữa Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, cơ quan và các đơn vị liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia,....

(Còn nữa)

Quang Minh