Từng bước xây dựng pháp luật về phòng chống tham nhũng chặt chẽ, hiệu quả

Từng bước xây dựng pháp luật về phòng chống tham nhũng chặt chẽ, hiệu quả 27/10/2021 16:04:00 4505

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Từng bước xây dựng pháp luật về phòng chống tham nhũng chặt chẽ, hiệu quả

27/10/2021 16:04:00

Công tác phòng, chống, đẩy lùi tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và coi trọng. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng được xây dựng và từng bước hoàn thiện. Nếu như trước 1998, cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam rất tản mác, nằm rải rác ở nhiều văn bản với nhiều mức độ hiệu lực pháp lý khác nhau thì từ 1998 đến nay, bên cạnh việc trừng trị các tội phạm tham nhũng nguy hiểm bằng Bộ luật Hình sự, chúng ta còn có Pháp lệnh và sau này là Luật PCTN. Quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật PCTN có thể chia thành hai giai đoạn là giai đoạn Pháp lệnh (1998-2004) và giai đoạn Luật PCTN (từ 2005 đến nay). Trong mỗi giai đoạn, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng đều đạt được nhiều thành tựu với những dấu ấn nổi bật, đóng góp tích cực vào việc trong sạch hóa bộ máy nhà nước, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và đặc biệt là tạo lòng tin với quần chúng nhân dân.

- Giai đoạn Pháp lệnh phòng chống tham nhũng (1998-2004): Khắc phục việc cơ sở pháp lý tản mác, nằm rải rác ở nhiều văn bản với nhiều mức độ hiệu lực pháp lý khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng, ngày 26/02/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, có hiệu lực cao, do thường trực cơ quan lập pháp của Nhà nước ban hành. Pháp lệnh đã định nghĩa Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. Người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Với 3 chương và 38 điều, Pháp lệnh chống tham nhũng đã làm rõ nội hàm hành vi tham nhũng, quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, làm rõ trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc phòng ngừa và xử lý người có hành vi tham nhũng. Mặc dù nội dung còn đơn giản, nhưng Pháp lệnh chống tham nhũng đã thiết lập nền tảng pháp lý ban đầu cho công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trên cả hai phương diện phòng và chống.

Song hành cùng Pháp lệnh PCTN giai đoạn này, Quốc hội ban hành Bộ luật Hình sự năm 1999 (sau được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009). Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có bước tiến mới về lập pháp, khi xây dựng các quy định về tội phạm tham nhũng, các tội phạm về chức vụ, gồm các điều từ 278 đến 284, quy định các tội danh như tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ, v.v… Việc xây dựng cơ sở pháp lý hình sự để đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua một nhóm tội danh thống nhất là sự thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự của Việt Nam đối với tội phạm tham nhũng.

- Giai đoạn Luật Phòng, chống tham nhũng (từ 2005 đến nay): Tình trạng tham nhũng, lãng phí xảy ra với quy mô lớn hơn, biểu hiện tinh vi hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc đổi mới, xói mòn lòng tin của nhân dân. Nhận thức rõ tính chất nguy hại của tham nhũng, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp quyết liệt về phòng, chống tham nhũng, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Ngày 29/11/2005, Quốc hội đã ban hành Luật PCTN số 55/2005/QH11. Luật PCTN là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phòng chống tham nhũng. được tổ chức triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đã có tác động tích cực là răn đe và ngăn chặn tham nhũng. Luật PCTN đã tạo bước đột phá trong hoạt động kê khai tài sản, thu nhập. Luật PCTN 2005 (gồm 8 Chương, 92 điều) có hiệu thi hành từ 01/6/2006. Phạm vi quy định của luật bao gồm các vấn đề như phòng ngừa, phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng. Luật PCTN 2005 đã tách phòng ngừa và phát hiện thành 2 chương riêng biệt, Luật cũng quy định cụ thể 12 hành vi tham nhũng, trong đó có 7 hành vi đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999, còn 5 loại hành vi sau là những hành vi phát sinh mới trong xã hội, cần được quy định để có cơ sở xử lý.

Từ 2005 đến nay, trong quá trình thực hiện, để khắc phục những hạn chế và phù hợp với thực tế, phù hợp với quá trình hội nhập, Quốc hội đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung, như: Năm 2007, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng số 01/2007/QH11; Năm 2012, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng số 27/2012/QH13và gần đây nhất, năm 2018, Quốc hội ban hành Luật PCTN số 36/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 (Luật PCTN 2018).

So với Luật PCTN 2005 (và sửa đổi), Luật PCTN 2018 có nhiều điểm mới về: Phạm vi điều chỉnh (đã sửa quy định “người có hành vi tham nhũng” của Luật PCTN 2005. Luật PCTN 2018 không chỉ quy định người có hành vi tham nhũng mà quy định cả cơ quan, tổ chức có hành vi tham nhũng đều bị xử lý; Luật PCTN 2005 chỉ quy định tham nhũng ở khu vực công, còn Luật PCTN 2018 quy định hành vi tham nhũng khu vực trong nhà nước và hành vi tham nhũng ngoài khu vực nhà nước); và quy định mới về đối tượng kê khai và hình thức kê khai tài sản thu nhập. Ngoài ra, Luật PCTN 2018 (gồm 10 chương với 96 điều) khắc phục những tồn tại của Luật PCTN 2005, đó là mở rộng biện pháp phòng ngừa tham nhũng như thực hiện công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát xung đột lợi ích. Trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng được quy định cụ thể hơn. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra Đảng, kiểm toán, điều tra, tố tụng ... được hoàn thiện.

+ Mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập: Đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn gói gọn “một số cán bộ” từ Phó trưởng phòng và công tác tại xã phường …như quy định tại Luật PCTN 2005 thì nay Luật PCTN 2018 đã mở rộng thành “tất cả cán bộ, công chức” không cứ từ cương vị nào, công tác ở đâu. Ngoài ra, Luật PCTN 2018 còn bổ sung thêm đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập là Sĩ quan Công an nhân dân; Sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tức là “không có vùng cấm”, những khu vực nào có môi trường tham nhũng, những đối tượng nào có điều kiện tham nhũng đã được Luật PCTN 2018 bao phủ.

+ Hình thức kê khai: Có 4 hình thức quy định tại Điều 36. Đó là Kê khai lần đầu (Khoản 1); Kê khai bổ sung (Khoản 2); Kê khai hằng năm đối với các đối tượng giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên và người làm công tác tổ chức cán bộ,quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ (Khoản 3) và Kê khai phục vụ công tác cán bộ khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác (Khoản 4).

Những điểm mới của Luật PCTN 2018 mang nhiều ý nghĩa. Đó là tăng cường, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, bảo đảm tính đồng bộ của việc kê khai tài sản, thu nhập; Cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); Đáp ứng yêu cầu của Công ước liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng; Làm giảm số lượng trung bình bản kê khai; giảm chi phí và nguồn lực dành cho công tác kê khai và quản lý bản kê khai hằng năm đồng thời tạo cơ sở để tập trung kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm đối với những người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.

Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng ta coi trọng qua từng giai đoạn. Ngày 01/02/2013Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trịBan Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn về PCTN. Bộ Chính trị (khóa X) ra Chỉ thị 50-CT/TW ngày 7/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) xác định “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Đặc biệt, trong Nhiệm kỳ Đại hội XII đã có 3.263 đảng viên bị xử lý do tham nhũng, cố ý làm trái. Trong đó có 113 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, tăng 10 lần so với nhiệm kỳ trước, thể hiện sự quyết tâm đẩy lùi nạn tham nhũng của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ.

Nhìn lại chặng đường hoàn thiện và phát triển hệ thống pháp luật về PCTN, chúng ta có thể thấy văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn sau chặt chẽ, tiến bộ và phù hợp hơn văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn trước. Bên cạnh đó, sự quyết liệt của Đảng, các cấp các ngành, đặc biệt ngành thanh tra luôn là đầu tàu, quyết tâm cao, vận dụng tốt các quy định của hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về PCTN nói riêng. Chúng ta tin rằng, trong tương lai gần, nạn tham nhũng sẽ được đẩy lùi, người có chức vụ quyền hạn trong lĩnh vực nhà nước cũng như lĩnh vực ngoài nhà nước không còn điều kiện tham nhũng và cũng không dám tham nhũng./.

Quốc Huấn

 

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 2 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%