Từng bước hoàn thiện chế độ kế toán và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Từng bước hoàn thiện chế độ kế toán và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh 22/10/2021 17:09:00 7238

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Từng bước hoàn thiện chế độ kế toán và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

22/10/2021 17:09:00

Từ năm 2000 đến nay, công tác kế toán tại các hộ kinh doanh (HKD) vẫn được thực hiện theo chế độ kế toán HKD được ban hành từ năm 2000 dưới hình thức văn bản là quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Quyết định số 169/2000/QĐ-BTC và Quyết định số 131/2002/QĐ-BTC về việc sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán hộ kinh doanh), thêm nữa các căn cứ pháp lý ban hành chế độ kế toán HKD tại Quyết định số 169/2000/QĐ-BTC, Quyết định số 131/2002/QĐ-BTC cũng như các văn bản pháp luật thuế hiện nay đã có nhiều thay đổi so với thời điểm năm 2000 nên các nội dung liên quan trong chế độ kế toán HKD cũng cần được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ thì phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Thực tế, trình độ quản trị kinh doanh của các HKD không cao nên công tác kế toán rất khác nhau và chưa có sự thống nhất dẫn đến khó khăn cho cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế đối với HKD.

Vì vậy, để làm cơ sở áp dụng thống nhất cho các HKD, phục vụ cho mục đích xác định nghĩa vụ thuế và giúp quá trình thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, theo tinh thần của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế; hướng dẫn công tác kế toán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cụ thể:

Thông tư 88/2021/TT-BTC  ngày 11/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành  hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo đó, một số điểm cần lưu ý của Thông tư như sau:

- Đối tượng áp dụng Thông tư này là các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quy định của pháp luật về thuế; các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện phải thực hiện chế độ kế toán nhưng có nhu cầu thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư này thì được khuyến khích áp dụng.

- Việc bố trí người làm kế toán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do người đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quyết định. Người đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thể bố trí cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của mình làm kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc bố trí người làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản kiêm nhiệm làm kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được vận dụng các quy định tại Điều 41 Luật Kế toán và các Điều 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 để bảo quản, lưu trữ các tài liệu kế toán nhằm phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với ngân sách nhà nước và công tác quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh của cơ quan Thuế.

- Về nội dung chứng từ kế toán, việc lập, lưu trữ và ký chứng từ kế toán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được vận dụng theo các Điều 16, 18 và 19 Luật Kế toán và theo hướng dẫn tại Phụ lục 1.

- Về nội dung sổ kế toán, việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được vận dụng theo các Điều 24, 25, 26 Luật Kế toán và theo hướng dẫn tại Phụ lục 2.

- Bên cạnh việc thực hiện chế độ kế toán hướng dẫn tại Thông tư này, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được lựa chọn áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ cho phù hợp với nhu cầu quản lý và đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 01/08/2021. Theo đó, một số điểm mới của thông tư cần lưu ý như sau:

- Bổ sung nhiều khoản thu nhập chịu thuế GTGT, TNCN: Khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho hộ khoán (thuế GTGT 1% và thuế TNCN 0,5%); khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (thuế TNCN 0,5%); quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số (thuế GTGT 5%, thuế TNCN 2%);…

- Thêm phương pháp tính thuế với hộ, cá nhân kinh doanh:

+ Phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng. Trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020 thì được lựa chọn khai thuế theo quý. (Áp dụng theo nguyên tắc của doanh nghiệp)

+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan Thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế.

+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.

- Bổ sung đối tượng có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân: Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân; tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền, các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác cho hộ khoán;tổ chức tại Việt Nam là đối tác của nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) thực hiện chi trả thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số cho cá nhân theo thỏa thuận với nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài; tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan Thuế,...

- Thêm cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh là cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nếu không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai,… thì cũng thuộc diện nộp thuế theo từng lần phát sinh.

- Quy định chung căn cứ tính thuế với hộ, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

+ Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

+ Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu: Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I

Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan Thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

  + Xác định số thuế phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Đỗ Hữu Hồng

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 1 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
100%