Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012, xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Ngày 12/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, có hiệu lực từ ngày 01/05/2018. Nghị định số 41/2018/NĐ-CP đã quy định chi tiết, rõ ràng về các hành vi vi phạm, thời hiệu xử phạt, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước thực hiện xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, qua đó vừa bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, của xã hội, vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xử phạt. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định số 41/2018/NĐ-CP có hiệu lực, một số cá nhân, tổ chức vẫn chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.
Một số sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực kế toán đã bị xử phạt theo Nghị định số 41/2018/NĐ-CP như: Báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán (điểm b, khoản 1, Điều 11); Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính (điểm b, khoản 1, Điều 12); Cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán (điểm b, khoản 3, Điều 12); Thông báo cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định khi có thay đổi về một trong các nội dung quy định tại Điều 66 Luật Kế toán (điểm a, khoản 2, Điều 33); Nộp Báo cáo tình hình hoạt động năm cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định (điểm đ, khoản 2, Điều 33); Không thông báo cho Bộ Tài chính khi có thay đổi về một trong các nội dung quy định tại Điều 66 Luật Kế toán (điểm a, khoản 3, Điều 33);… Trong đó, vi phạm chủ yếu là các cá nhân, tổ chức thông báo cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định khi có thay đổi về một trong các nội dung quy định tại Điều 66 Luật Kế toán.
Tại Điều 66 của Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015 quy định như sau:
“Điều 66. Những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi về một trong các nội dung sau đây, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính: a) Danh sách kế toán viên hành nghề tại doanh nghiệp; b) Không bảo đảm một, một số hoặc toàn bộ các điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán quy định tại Điều 60 của Luật này; c) Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; d) Giám đốc hoặc tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tỷ lệ vốn góp của các thành viên; đ) Tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kế toán; e) Thành lập, chấm dứt hoạt động hoặc thay đổi tên, địa chỉ trụ sở chi nhánh kinh doanh dịch vụ kế toán; g) Thực hiện việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi, giải thể.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi về một trong các nội dung sau đây, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính: a) Danh sách kế toán viên hành nghề; b) Tên, địa chỉ của hộ kinh doanh; c) Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán.”
Về mức phạt cụ thể quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 33 của Nghị định số 41/2018/NĐ-CP: “2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Thông báo cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định khi có thay đổi về một trong các nội dung quy định tại Điều 66 Luật Kế toán;”.
Tại Điều 6 của Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập quy định như sau:
“Điều 6. Mức phạt tiền trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
1. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7; 8; 9; 10; 11; 13; 14; 15; 16; 17; Điều 19; khoản 1, 3 Điều 21; 22; Điều 23; 24; 26; 33; 34; khoản 1, khoản 3 Điều 36; khoản 1 Điều 38; khoản 2, khoản 3 Điều 39; khoản 1, khoản 2 Điều 48; khoản 1 Điều 57; khoản 1, khoản 2 Điều 61, Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Thẩm quyền xử phạt của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân đối với chức danh đó.”
Như vậy, mức phạt nêu tại Điểm a Khoản 2 Điều 33 của Nghị định số 41/2018/NĐ-CP áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Vì vậy, nếu tổ chức có cùng hành vi vi phạm nêu tại Điểm a Khoản 2 Điều 33 của Nghị định số 41/2018/NĐ-CP thì mức phạt sẽ gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập, một số vi phạm đã bị xử phạt theo Nghị định số 41/2018/NĐ-CP như: Doanh nghiệp thực hiện hành vi thuê, mượn, sử dụng Chứng chỉ kiểm toán viên của người không làm việc hoặc làm việc theo hợp đồng lao động không đảm bảo là làm toàn bộ thời gian tại đơn vị mình để đăng ký hành nghề kiểm toán (khoản 2, Điều 38); xác nhận không đúng thực tế các thông tin, tài liệu trong hồ sơ để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (khoản 1, Điều 39); Nộp cho Bộ Tài chính Báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán định kỳ hàng năm hoặc khi có yêu cầu chậm dưới 15 ngày so với thời hạn quy định (điểm đ, khoản 1, Điều 66); Báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính chậm dưới 15 ngày so với thời hạn quy định (điểm i, khoản 1, Điều 66); Thông báo cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định khi có thay đổi về nội dung theo quy định tại Luật Kiểm toán độc lập (điểm a, khoản 2, Điều 66); Nộp báo cáo tổng hợp tình hình duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm của các kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại đơn vị mình kèm theo Báo cáo duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm của từng kiểm toán viên cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định (điểm b, khoản 2, Điều 66); Nộp báo cáo tình hình hoạt động năm, Báo cáo tài chính năm trước liền kề cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định (điểm e, khoản 2, Điều 66); Nộp chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định Báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán cho Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (điểm a, khoản 2, Điều 68);… Trong đó, vi phạm chủ yếu là thông báo cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên khi có thay đổi về tỷ lệ vốn góp của các thành viên.
Tại Điều 26 của Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/03/2011 quy định:
“Điều 26. Những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính
Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày có thay đổi về những nội dung sau đây, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính: 1. Danh sách kiểm toán viên hành nghề; 2. Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 21 và Điều 31 của Luật này; 3. Tên, địa điểm đặt trụ sở chính của doanh nghiệp; 4. Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tỷ lệ vốn góp của các thành viên; 5. Tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kiểm toán; 6. Thành lập, chấm dứt hoạt động hoặc thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh kinh doanh dịch vụ kiểm toán; 7. Thực hiện việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi, giải thể.”
Mức phạt cụ thể đối với trường hợp thông báo cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên khi có thay đổi về tỷ lệ vốn góp của các thành viên quy định tại Khoản 2 Điều 66 của Nghị định số 41/2018/NĐ-CP: “2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kiểm toán thực hiện một trong các hành vi sau: a) Thông báo cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định khi có thay đổi về nội dung theo quy định tại Luật Kiểm toán độc lập”.
Việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng được quy định tại Khoản 4 Điều 23 của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH12 ngày 20/6/2012: “4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt".
Đến nay, các cá nhân, tổ chức bị xử phạt trong công tác kế toán, kiểm toán đã nghiêm túc thực hiện theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác kế toán, kiểm toán độc lập đã kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong lĩnh vực này; đồng thời hướng dẫn các cá nhân, tổ chức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán và thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Để hạn chế các vi phạm, các cá nhân, tổ chức cần kịp thời cập nhật chính sách, chế độ và nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán độc lập.
Người có thẩm quyền cần nghiên cứu và thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật chuyên ngành về kế toán, kiểm toán độc lập, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Từ đó, xác định hành vi vi phạm chính xác, xác định đúng thẩm quyền xử phạt, xác định thời hiệu xử phạt đúng quy định và dẫn chiếu điều khoản phù hợp với hành vi vi phạm,... nhằm hạn chế sai sót trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập./.
Phương Uyên