Hoàn thiện cơ chế pháp lý nâng cao năng lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp Nhà nước

Hoàn thiện cơ chế pháp lý nâng cao năng lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp Nhà nước 07/01/2020 10:02:00 2213

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hoàn thiện cơ chế pháp lý nâng cao năng lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp Nhà nước

07/01/2020 10:02:00

1. Về chính sách, pháp luật về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán:

Hiện nay, cơ chế thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam được quy định tại nhiều VBQPPL khác nhau, thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau dẫn đến xảy ra tình trạng còn nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo về đối tượng thanh tra, kiểm tra, có trường hợp chồng chéo về nội dung thanh tra, kiểm tra. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động thanh tra tài chính đối với các DNNN còn có vướng mắc, bất cập bởi quy định về tránh trùng chéo trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với Kiểm toán Nhà nước. Kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước hàng năm rất lớn. Kể cả kiểm toán theo đối tượng và kiểm toán chuyên đề thì hầu như kế hoạch kiểm toán hàng năm đã phủ khắp các tỉnh cũng như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặc biệt là kiểm toán công tác quản lý và sử dụng vốn nhà nước, quản lý tài sản công tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ít nhất cũng không quá 2 năm một lần.

2. Về chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực QLNN (tài chính – ngân sách; đất đai; môi trường; xây dựng; lao động; thuế; hải quan…)

- Về công tác giám sát tài chính DNNN, cơ chế phân cấp trong thực hiện các quyền sở hữu tại DNNN còn phân tán, chồng chéo; Giám sát vốn nhà nước đầu tư tại DN chưa chặt chẽ dẫn đến hiệu quả chưa cao; Công tác giám sát được thực hiện chủ yếu đối với các đối tượng trực tiếp sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động kinh doanh, chưa chú trọng đến giám sát, kiểm tra quá trình thực thi chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước.Hiện nay cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện các trách nhiệm của mình theo quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, bao gồm cả trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giám sát tài chính đối với DNNN theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước và các Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên việc thực hiện giám sát theo Nghị định số 87/2015/NĐ-CP mới tập trung về giám sát gián tiếp thông qua báo cáo; cơ quan quản lý thực hiện phương thức giám sát sau nên chưa đảm bảo tính kịp thời.

- Về lĩnh vực thuế, hải quan: quá trình thanh tra, kiểm tra ghi nhận mức độ tuân thủ pháp luật hải quan của một số doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế am hiểu pháp luật về hải quan (chậm trễ thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ hoặc thếu trách nhiệm trong phối hợp với các bộ phận thủ tục hải quan). Nhiều doanh nghiệp đã thuê các Công ty dịch vụ khai thuê hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện khai báo với cơ quan Hải quan nhưng không có trách nhiệm hoặc do nhiều lý do khác đã thực hiện sai thủ tục hải quan dẫn đến sai sót chênh lệch giữa số liệu trên hệ thống kế toán nội bộ và số liệu của cơ quan Hải quan. Hiện tại cơ quan Hải quan đang gặp vướng mắc trong xác định hành vi hoặc các căn cứ xử phạt đối với nhiều trường hợp do chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp quy (như ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính chỉ đối với phần chênh lệch thiếu hay phải đối với cả chênh lệch thừa và chênh lệch thiếu..); vướng mắc trong quản lý rủi ro đối với một số doanh nghiệp ưu tiên (có vốn Nhà nước) khi doanh nghiệp được đưa hàng hóa nhập khẩu về kho riêng để bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật có liên quan.

- Thực hiện rà soát, hoàn thiện cơ chế giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước sau khi rà soát, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 để nâng cao hiệu quả của hoạt động này; Tiếp tục nghiêm túc thực hiện các quy định về giám sát tài chính tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ và Thông tư số 200/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong đó, cần quan tâm đến các nội dung như: Nội dung giám sát, Công tác tổ chức giám sát; Căn cứ thực hiện giám sát, tài chính; Phương thức giám sát; Quy trình xử lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DN được đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt; Trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc DN thuộc diện giám sát, tài chính đặc biệt…

- Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra là cần thiết nhưng cần tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra kéo dài, chồng chéo về nội dung và mật độ dày. Các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra cần tăng cường công tác phối hợp để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp

- Về công tác giám sát tài chính:

+ Nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu phản ánh tình hình huy động vốn như hệ số nợ; các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán như hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, hệ số khả năng thanh toán ngay; Các chỉ tiêu phản ánh hiệu suất sử dụng vốn như hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh, vòng quay vốn lưu động; Các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời như khả năng sinh lời hoạt động, khả năng sinh lời tài sản, khả năng sinh lời vốn chủ. Từ đó, giúp nhận diện rủi ro tài chính của các DNNN để có biện pháp điều hành, xử lý kịp thời.

+ Bổ sung các chỉ tiêu giám sát liên quan đến đặc thù ngành nghề kinh doanh, bởi vì đặc thù ngành nghề kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất và hiệu quả hoạt động của DN như các chỉ tiêu liên quan đến sản lượng khai thác, thăm dò; năng suất lao động trên doanh thu…

- Cần phải tổ chức bộ máy giám sát, kiểm soát nội bộ một cách chặt chẽ, các Bộ, ngành và địa phương phải có đầu mối thống nhất cũng như việc công khai quy trình giám sát cũng như nguồn nhân lực cho công tác giám sát tài chính ở tất cả các cấp. Tách bạch vai trò giữa cơ quan giám sát và cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu để đảm bảo sự độc lập, khách quan của công tác giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả DN nhưng đồng thời có phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giám sát, kiểm tra, thanh tra. Cần có cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện công khai thông tin của các DN và các cơ quan chủ sở hữu, gắn với chế tài cụ thể và đủ mạnh.

- Về công tác thanh tra, kiểm tra:

+ Xây dựng và tiếp tục hoàn thiện Phần mềm Cơ sở dữ liệu thanh tra, liên thông kết nối với các cơ sở dữ liệu trong ngành Tài chính (Thuế, Kho bạc Nhà nước, Hải quan, Tài chính doanh nghiệp...).

+ Tăng cường công tác giám sát đối tượng, thông qua hệ thống phân tích rủi ro, phối hợp với các cơ quan, đơn vị ngành Tài chính để chủ động cung cấp các thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; Kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra, cũng như phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính năm sau được kịp thời và đúng đối tượng.

+ Tổ chức, triển khai kịp thời kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính hàng năm theo kế hoạch đã được phê duyệt; bố trí lực lượng, tổ chức triển khai có hiệu quả để phấn đầu hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra và những nhiệm vụ đột xuất được giao; Bố trí lực lượng dự phòng trong trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ. Thực hiện tốt cơ chế giám sát Đoàn thanh tra để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ trong việc triển khai các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách chưa phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật.

- Tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra; hạn chế tình trạng kéo dài thời gian lưu hành kết luận thanh tra do những nguyên nhân chủ quan; Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; Làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để những kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục. Cải tiến phương pháp tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra đảm bảo kịp thời theo quy định; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, kiểm tra tài chính trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới; Tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng thanh tra góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính./.

Minh Đức