Khách quan trong giải quyết tố cáo là một trong những nguyên tắc được quy định trong Luật Tố cáo năm 2018, cụ thể: “Việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật” (Khoản 1 Điều 4). Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi trao đổi về tính “khách quan” trong việc giải quyết tố cáo, những dấu hiệu mà pháp luật quy định không khách quan trong giải quyết tố cáo nhằm giúp các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền nâng cao trách nhiệm, áp dụng đúng và hiệu quả nội dung này trong quá trình giải quyết tố cáo.
Như chúng ta đã biết, “khách quan” là một thuật ngữ thường được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày mà nhiều người hay dùng để đánh giá hay nhìn nhận đối với một sự việc, hiện tượng hay hoạt động nào đó. Đã có nhiều quan điểm về khách quan, như: Khách quan là nhìn nhận sự vật, sự việc không thiên vị bất kỳ ai, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng và sẽ đưa ra một quyết định thật sáng suốt; hay khách quan đòi hỏi việc nhận thức của con người phải dựa vào thực tế khách quan (tức là luôn tôn trọng sự thật không thể nhận định sai sự thật)… Tuy một số quan điểm cũng có nhận định khác nhau, nhưng đều thống nhất cho rằng: khách quan có tính chất xuất phát từ thực tế, biểu hiện thực tế trong đánh giá, nhìn nhận sự việc, hoạt động nào đó một cách trung thực, không thiên lệch. Tôn trọng khách quan là tôn trọng tính khách quan của sự việc, hiện tượng hay hoạt động mà nó nhìn nhận, đánh giá. Đối với lĩnh vực giải quyết tố cáo, tôn trọng khách quan thể hiện trong quá trình xác định thẩm quyền, tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo… được xác định, phân tích, đánh giá đầy đủ, toàn diện theo từng góc độ của sự việc, của pháp lý để người giải quyết tố cáo có phương án hoặc đề xuất, kiến nghị phương án giải quyết đúng quy định của pháp luật, minh bạch, tôn trọng sự thật khách quan và phù hợp thực tiễn.
Khác với cán bộ, công chức khác trong bộ máy Nhà nước; cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo hay cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo (sau đây gọi tắt là người giải quyết tố cáo) có những đặc điểm riêng biệt.
Thứ nhất, người giải quyết tố cáo là người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng tố cáo; kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý vi phạm tố cáo của họ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị, việc làm cũng như lợi ích của người tố cáo, người bị tố cáo và cộng đồng; nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của nhà nước và của tổ chức, cá nhân được hiến định cũng chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của người giải quyết tố cáo.
Thứ hai, người giải quyết tố cáo là người áp dụng pháp luật, trên cơ sở xác định sự kiện pháp lý, sự thật khách quan, trung thực của vụ việc, trên cơ sở đó người giải quyết tố cáo áp dụng quy định của pháp luật để kết luận nội dung tố cáo, ban hành quyết định xử lý vi phạm pháp luật và quyết định đó làm phát sinh hậu quả đối với con người, đối với xã hội; vì vậy, mọi hoạt động của người giải quyết tố cáo đều phải được thực hiện đúng với trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; sự thật, pháp luật, công bằng luôn là những yếu tố song hành cùng người giải quyết tố cáo.
Thứ ba, người giải quyết tố cáo là người được giao thực hiện quy định pháp luật, cho nên hoạt động của họ luôn chịu sự kiểm soát của pháp luật; cấp trên và trong nội bộ cơ quan cùng với các quy trình, quy chế, quy phạm đạo đức và sự giám sát của dư luận xã hội và của nhân dân theo quy định của pháp luật… Chính vì vậy, Luật Tố cáo năm 2011 rồi đến Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo như sau: “Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo” (Điểm a Khoản 2 Điều 11); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được trưng cầu giám định (nội dung tố cáo): “Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định” (Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo).
Những năm qua, mặc dù chưa có văn bản quy phạm chính thức làm công cụ giám sát thống nhất việc tuân thủ quy định về nguyên tắc khách quan trong giải quyết tố cáo cũng như xác định dấu hiệu không khách quan trong việc giải quyết tố cáo. Nhưng về cơ bản, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, sự liêm chính, sự vô tư, khách quan theo quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn, góp phần xử lý các vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn một số cơ quan, tổ chức và cá nhân khi giải quyết tố cáo còn thiếu bản lĩnh, bị tác động từ bên ngoài, thiếu vô tư, khách quan… phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết tố cáo, uy tín của cơ quan Nhà nước và niềm tin của công dân đối với cơ quan Nhà nước, quy định pháp luật.
Luật Tố cáo năm 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo đã quy định “dấu hiệu không khách quan” trong việc giải quyết tố cáo, đây là điểm mới so với Luật Tố cáo năm 2011 (và văn bản hướng dẫn Luật); cụ thể tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định về dấu hiệu không khách quan trong việc giải quyết tố cáo như sau:
Một là, người bị tố cáo là vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, của người giải quyết tố cáo;
Hai là, nội dung tố cáo có liên quan trực tiếp đến vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, của người giải quyết tố cáo;
Ba là, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo có lợi ích liên quan trực tiếp với người bị tố cáo.
Trường hợp phát hiện việc giải quyết tố cáo của của cơ quan, tổ chức cấp dưới có dấu hiệu không khách quan thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải giải quyết tố cáo lại. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp dưới chấm dứt việc giải quyết tố cáo và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp. Khi nhận được hồ sơ vụ việc tố cáo, thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp ra quyết định thụ lý tố cáo và thông báo bằng văn bản cho người tố cáo, người bị tố cáo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp dưới đã thực hiện giải quyết vụ việc tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy, người giải quyết tố cáo ngoài việc thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền được pháp luật quy định, phải thẳng thắn, trung thực khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xác minh, giải quyết tố cáo; tôn trọng sự thật khách quan của vụ việc tố cáo mà mình giải quyết. Sự chính trực, đúng mực, không sử dụng vị trí, nghề nghiệp để mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình, không bị tác động, chi phối do bất kỳ lý do gì là điều cốt yếu để thực hiện tốt các nhiệm vụ của người giải quyết tố cáo. Mặt khác, người giải quyết tố cáo phải chủ động báo cáo với người có thẩm quyền để từ chối tham gia các hoạt động, những công việc có nguy cơ ảnh hưởng đến tính vô tư, khách quan khi bản thân rơi vào một trong những trường hợp quy định về dấu hiệu không khách quan tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo./.
Mạnh Hùng