Tổng quan thị trường bảo hiểm quốc tế năm 2017

Tổng quan thị trường bảo hiểm quốc tế năm 2017 03/07/2018 09:21:00 655

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tổng quan thị trường bảo hiểm quốc tế năm 2017

03/07/2018 09:21:00

Nền kinh tế thế giới phục hồi rõ nét trong năm 2017. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu ước đạt 3,6%, tăng 0,5 điểm so với năm 2016 nhờ sự gia tăng của đầu tư, thương mại và sản xuất công nghiệp. Thương mại toàn cầu ước tăng 4,2% trong năm 2017, gần gấp đôi so với mức 2,4% của năm 2016 với sự gia tăng mạnh mẽ về khối lượng giao dịch và số lượng đơn hàng xuất khẩu mới trên toàn cầu.

Các nền kinh tế phát triển tăng trưởng ở mức 2,2%, trong đó Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản là những nền kinh tế dẫn dắt sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ ước tăng 2% so với năm 2016. Cán cân thương mại được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 4,2%, là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua. Khu vực Châu Âu ước đạt mức tăng trưởng 2,1% nhờ cầu tiêu dùng nội địa tăng và các hoạt động sản xuất, thương mại ổn định. Kinh tế Nhật Bản cũng ước tính đạt mức tăng trưởng 1,5% trong năm 2017.

Thị trường Châu Á giữ mức tăng trưởng ổn định ở 6,5%, chủ yếu do sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Trung Quốc (6,8%), đồng thời, các thị trường mới nổi khác cũng đạt mức tăng trưởng tốt nhờ vào sự phục hồi giá cả hàng hóa và nhu cầu xuất khẩu. Khu vực Trung và Đông Âu cũng đạt mức tăng trưởng đáng kể (khoảng 3%), dựa trên tiêu dùng nội địa vững chắc, chính sách tài khóa tốt, luồng vốn tăng tốc. Khu vực Mỹ La tinh đạt mức tăng trưởng khiêm tốn hơn với sự phục hồi kinh tế ở Braxin và Argentina. Các khu vực còn lại tăng trưởng không đáng kể.

Mặc dù đạt mức tăng trưởng tích cực song nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2017 như mức nợ công cao, các cú sốc từ ngoại cảnh gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính như việc Anh rời khỏi liên minh Châu Âu, Mỹ rút khỏi hiệp định TPP…, chính sách thắt chặt tiền tệ gây áp lực lên dòng vốn và các chính sách bảo hộ đang gia tăng ảnh hưởng đến tự do hóa thương mại và kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao cũng đang là một vấn đề khá trầm trọng.

I. Tổng quan

Năm 2017, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng tích cực tuy nhiên, thị trường bảo hiểm chỉ đạt mức tăng trưởng vừa phải. Nhiều thảm hoạ tự nhiên lớn như bão Harvey, Irma, Maria, động đất ở Mexico, cháy rừng ở California đã khiến ngành bảo hiểm toàn cầu chịu nhiều ảnh hưởng và áp lực rủi ro, đặc biệt là lĩnh vực phi nhân thọ. Đến nay, con số tổn thất vẫn chưa được ước tính chính xác, tuy nhiên số tiền phải bồi thường tổn thất dự tính sẽ khá cao so với năng lực của ngành bảo hiểm. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp đang gây sức ép lên lợi nhuận đầu tư và chính sách kinh doanh hiện có, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

Doanh thu phí của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu ước đạt mức tăng trưởng 3% và được dự báo tiếp tục duy trì mức tăng trưởng này trong vòng 2 năm tới. Tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ ước tính đã tăng từ 2% năm 2016 lên 3% vào năm 2017 nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm tại các thị trường mới nổi, đặc biệt ở Châu Á. Lĩnh vực tái bảo hiểm toàn cầu ước tính tăng trưởng chậm, đạt mức hơn 1% trong năm 2017.

Thị trường mới nổi tiếp tục là tiềm năng khai thác đối với các công ty bảo hiểm toàn cầu, đặc biệt là khu vực Châu Á. Khu vực Châu Mỹ La tinh và Châu Phi đã cải thiện đáng kể, phí bảo hiểm phi nhân thọ ước tính đạt 6% năm 2017 và dự báo sẽ tăng nhẹ lên 7% cho đến năm 2019.

1. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2017

- Về doanh thu phí bảo hiểm: năm 2017, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ phục hồi chậm và đạt mức tăng trưởng vừa phải. Doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu đạt mức 3% (tăng hơn so với mức 2,3% năm 2016) và tăng trưởng vừa phải tại hầu hết các quốc gia. Ở các nền kinh tế phát triển như Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Anh, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí ước đạt khoảng 2% năm 2017 (năm 2016 là 1,5%). Tại Mỹ, phí bảo hiểm ước tăng 4,0% nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm bảo hiểm cá nhân và bảo hiểm thương mại, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới.

Tại các thị trường mới nổi, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng khoảng 6% vào năm 2017, tăng nhẹ so với năm 2016 và 2015, nhưng giảm với sự tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn 2010 - 2014 (8%). Doanh thu phí bảo hiểm khu vực Châu Á chịu ảnh hưởng từ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.

- Về tỷ lệ bồi thường và chi phí: Tỷ lệ kết hợp của ngành bảo hiểm tài sản và trách nhiệm tại Mỹ giảm 0,8% do ảnh hưởng từ tổn thất của các thảm họa thiên nhiên cao trên mức trung bình. Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với thị trường bảo hiểm Châu Âu. Tổn thất từ các cơn bão Harvey, Irma và Maria đã tạo nên gánh nặng chi trả tiền bồi thường cho toàn ngành bảo hiểm. Dự phòng bảo hiểm được dự đoán có thể sẽ không đủ ở những thị trường trọng điểm như Mỹ do hậu quả từ những năm khó khăn trước.

- Về lợi nhuận: Nhìn chung lợi nhuận toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu giảm trong năm 2017 với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm xuống từ 6% trong năm 2016 xuống còn 3% năm 2017. Kết quả này được đánh giá do một số nguyên nhân chính sau:

Một là do mức phí bảo hiểm giảm nhẹ: Chẳng hạn như Marsh đã giảm phí bảo hiểm trong hơn 17 quý liên tiếp ở tất cả các khu vực, ngoại trừ Thái Bình Dương.

Hai là do chi phí bồi thường tăng: chi phí bồi thường đã tăng rõ rệt đối với các sản phẩm bảo hiểm tổn thất thiệt hại, đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới tại Hoa Kỳ. Mức độ nghiêm trọng của các khiếu nại có xu hướng tăng. Các thị trường ô tô châu Âu cũng có chi phí bồi thường cao hơn.

Ba là do thiệt hại từ thảm họa thiên tai cao đã dẫn đến lợi nhuận âm của các công ty bảo hiểm trong năm 2017. Với thiệt hại ước tính từ 1 tỷ USD trở lên dẫn đến yêu cầu bồi thường bảo hiểm cao hơn.

Năm là do thu nhập từ đầu tư của các công ty bảo hiểm bị giảm sút trong một thời gian dài do ảnh hưởng từ lãi suất thấp.

2. Thị trường bảo hiểm nhân thọ

- Về doanh thu phí bảo hiểm: Năm 2017, thị trường bảo hiểm nhân thọ toàn cầu ước tính tăng trưởng khoảng 3% nhờ vào sự tăng trưởng tích cực của các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.

Các thị trường phát triển có mức tăng trưởng phí chậm hơn, chỉ đạt khoảng 0,2% trong năm 2017, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm có xu hướng giảm tại một số khu vực như Bắc Mỹ (giảm 2%). Tại khu vực Tây Âu, doanh thu phí bảo hiểm không có dấu hiệu tích cực, do sự điều chỉnh lạm phát (tăng khoảng 2%). Các thị trường Anh, Đức, Pháp có mức tăng trưởng phí ổn định, một số nước có doanh thu phí giảm nhẹ. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương có mức tăng trưởng phí tích cực hơn so với các thị trường khác nhưng cũng chỉ đạt mức khiêm tốn ở mức tăng hơn 1%, một số nước có sự tăng mạnh là Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore và Đài Loan.

- Về lợi nhuận: các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang phải đối mặt với nhiều áp lực lợi nhuận do lãi suất toàn cầu giảm mạnh, lãi suất trái phiếu chính phủ thấp, đặc biệt là tại khu vực Châu Âu và Châu Á nơi hơn 40% các doanh nghiệp bảo hiểm được khảo sát cho biết tỷ suất lợi nhuận của các danh mục đầu tư đều bị giảm. Theo khảo sát, nhiều công ty bảo hiểm ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia có mức lãi suất đầu tư không đủ để bù đắp các nghĩa vụ và cam kết với bên mua bảo hiểm. Trong bối cảnh đó, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn của các công ty bảo hiểm nhân thọ phải chịu nhiều áp lực.

- Về đầu tư: trong môi trường lãi suất còn nhiều thách thức, các công ty bảo hiểm đã buộc phải cơ cấu lại danh mục đầu tư của họ để tìm kiếm lợi nhuận gia tăng, chú trọng vào hạng mục đầu tư tài sản có mức độ rủi ro hơn. Số liệu khảo sát của Swiss Re cho thấy, gần 60% các công ty bảo hiểm ở Châu Á Thái Bình Dương được hỏi cho biết họ có ý định gia tăng rủi ro đầu tư bằng việc đầu tư vào các tài sản kém chất lượng hơn và mức độ rủi ro cao hơn nhằm tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, trước khi đưa ra các quyết định, các công ty bảo hiểm buộc phải tính toán để cân bằng giữa tăng mức rủi ro đầu tư và các yêu cầu của cơ quan quản lý giám sát về khả năng thanh toán. Đặc biệt tại thị trường Châu Âu khi hệ thống Solvency II (SII) có hiệu lực vào tháng 1/2016 đã đưa ra các yêu cầu về vốn chặt chẽ hơn tương ứng với các tài sản đầu tư và các yêu cầu cụ thể về đo lường và công bố/báo cáo. Việc áp dụng hệ thống Solvency II đã buộc các công ty bảo hiểm Châu Âu phải tăng cường vốn và khả năng thanh toán so với các yêu cầu trước đây. Trước sự giám sát đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ buộc phải tiếp tục điều chỉnh danh mục tài sản, việc quản lý tài sản tương ứng với rủi ro cũng như thời hạn của trách nhiệm để đảm bảo tối đa hóa hiệu quả, bao gồm cả chi phí vốn để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

3. Thị trường bảo hiểm sức khỏe

- Doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe toàn cầu đã giảm từ 5% xuống còn 4% trong năm 2017, chủ yếu do sự sụt giảm tại thị trường Mỹ. Ở Châu Âu, phí bảo hiểm của dòng sản phẩm này tăng trưởng 2%, trong khi khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cũng đạt mức tăng trưởng 3%

- Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sức khỏe đạt 8,1% vào cuối của năm 2016, giảm so với mức 10,8% của năm trước và thấp hơn mức trước khủng hoảng của năm 2007 là 14,4%.

4. Thị trường tái bảo hiểm

- Tái bảo hiểm phi nhân thọ: Phí bảo hiểm toàn cầu trong tái bảo hiểm phi nhân thọ được ước tính đã tăng 3% vào năm 2017. Tại các thị trường mới nổi, phí tái bảo hiểm dự báo được cải thiện do sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô (đặc biệt là khu vực Mỹ Latinh) và tăng nhượng tái tại Trung Quốc. Xu hướng tăng trưởng phí bảo hiểm tái bảo hiểm thị trường mới nổi dự kiến ​​sẽ ổn định vào năm 2018 và 2019, nhờ doanh thu bảo hiểm gốc tăng mạnh ở tất cả các khu vực.

Tuy nhiên, các sự kiện thảm họa thiên nhiên trong năm 2017 đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành tái bảo hiểm phi nhân thọ. Nếu như 5 năm gần đây ngành tái bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu được ổn định với mức tổn thất thảm họa thấp thì năm 2017 ngành lại phải đối mặt với những tổn thất nặng nề từ các cơn bão lớn như bão Harvey, bão Irma và bão Maria.

Trong năm 2017, tỷ lệ chi phí kết hợp ước đạt khoảng 115%, phần lớn là do thiệt hại do bão và một số tổn thất khác như bão lốc Debbie ở Úc, động đất ở Mexico, cháy rừng ở California và Nam Âu. Theo đó, lợi nhuận ngành tái bảo hiểm toàn cầu ước đạt mức tăng trưởng âm (-4%). Bên cạnh đó, ngành tái bảo hiểm phi nhân thọ cũng bị chịu ảnh hưởng từ lãi suất thấp và các điều kiện tái bảo hiểm bị cắt giảm. Điều này dẫn đến hậu quả là tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm từ 11% vào năm 2016 xuống 9% trong 6 tháng đầu năm 2017.

- Thị trường tái bảo hiểm nhân thọ: mức tăng trưởng phí tái bảo hiểm nhân thọ vẫn duy trì ở mức tương đối thấp trong năm 2017. Trong giai đoạn 2015-2017, mức tăng trung bình của phí tái bảo hiểm trên toàn thế giới được ước tính thấp hơn 0,5% so với mức trung bình là 2% trong giai đoạn 2007-2014. Trong bối cảnh này, các công ty tái bảo hiểm nhân thọ đã tìm cách tăng doanh thu thông qua các giao dịch chuyển rủi ro cá nhân.

II. Triển vọng trong năm 2018-2019:

- Đối với lĩnh vực phi nhân thọ: Năm 2018 và 2019, dự báo triển vọng nền kinh tế toàn cầu có xu hướng tích cực hơn. Nhu cầu về bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến ​​sẽ tăng lên. Các thị trường mới nổi sẽ là động lực chính cho tăng trưởng. Phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu được dự báo sẽ tăng ít nhất là 3% vào năm 2018 và 2019. Ngoài ra, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ sẽ có triển vọng tích cự nhờ vào quá trình đô thị hoá và gia tăng quyền sở hữu nhà ở và xe hơi, những quan ngại về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và tăng cường quan tâm của người tiêu dùng tới bảo hiểm tài sản.

Doanh thu đầu tư của các công ty bảo hiểm đã bị suy giảm trong một thời gian dài do môi trường lãi suất hoặc những năm gần đây cũng được dự báo sớm phục hồi.

- Đối với lĩnh vực nhân thọ: phí bảo hiểm nhân thọ toàn cầu ước tính sẽ tăng khoảng 4% hàng năm trong 2 năm tới, chủ yếu tại các thị trường mới nổi, nơi có sự tăng trưởng kinh tế ổn định, mạnh mẽ. Phí bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng ở các thị trường mới nổi dự kiến ​​sẽ vào khoảng 10% vào năm 2018 và 2019. Phí bảo hiểm ở các thị trường phát triển dự kiến ​​sẽ tăng trưởng từ mức 1%-2% sau khi điều chỉnh lạm phát. Tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phát triển, phí bảo hiểm được dự báo tăng bằng 2-3% vào năm 2018 và năm 2019.

- Thị trường tái bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ có sự phục hồi. Phí bảo hiểm tái bảo hiểm nhân thọ toàn cầu được dự kiến sẽ tăng hơn 1% vào năm 2018. Phí bảo hiểm ở các thị trường tiên tiến dự kiến ​​sẽ giảm sau khi điều chỉnh lạm phát, và tăng nhẹ ở Tây Âu. Dự báo mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất sẽ diễn ra ở các thị trường mới nổi, dự kiến ​​sẽ tăng hơn 10% mỗi năm vào năm 2018 và 2019.