1. Các tình huống tranh chấp phổ biến
- Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một hợp đồng dân sự. Trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm có phát sinh các tranh chấp nhưng nhìn chung có thể phân loại tương đối các tranh chấp này thành hai nhóm như sau: (i) tranh chấp liên quan tới yêu cầu trả quyền lợi bảo hiểm, và (ii) tranh chấp liên quan tới tính hiệu lực, pháp lý của hợp đồng.
- Tranh chấp liên quan tới chi trả quyền lợi bảo hiểm phát sinh khi doanh nghiệp bảo hiểm từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra như khách hàng tử vong, thương tật do tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Doanh nghiệp bảo hiểm thường từ chối thanh toán tiền bảo hiểm khi cho rằng khách hàng không cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan tới sự kiện bảo hiểm (ví dụ, biên bản tai nạn do cơ quan có thẩm quyền xác nhận trong trường hợp yêu cầu giải quyết quyền lợi tử vong/thương tật do tai nạn), hoặc cho rằng sự kiện bảo hiểm thuộc vào tình huống loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm (ví dụ, khách hàng có dấu hiệu tự tử, hoặc sự kiện bảo hiểm xảy ra là hậu quả của việc khách hàng vi phạm pháp luật), hoặc khi doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng các biện pháp y tế mà khách hàng đã thực hiện (nằm viện điều trị, thực hiện phẫu thuật…) là không cần thiết về mặt y khoa liên quan tới việc điều trị đó.
- Tranh chấp liên quan tới tính hiệu lực của hợp đồng thường phát sinh trong trường hợp khách hàng cho rằng mình không ký trên các giấy tờ, biểu mẫu của bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm hoặc khi khách hàng cho rằng mình được tư vấn không chính xác hoặc bị lừa dối về đặc tính của sản phẩm bảo hiểm mà mình đã tham gia. Một trong những tình huống phổ biến nữa liên quan tới tranh chấp về tính hiệu lực của hợp đồng là khi công ty bảo hiểm cho rằng khách hàng không khai báo đầy đủ các bệnh có sẵn khi tham gia bảo hiểm.
2. Quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp trong hợp đồng bảo hiểm
- Nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 (Khoản 1 Điều 13) và Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 (Điều 17.1) là khá tương đồng, bao gồm điều khoản: “i) Phương thức giải quyết tranh chấp”.
Như vậy có thể thấy quy định về phương thức giải quyết tranh chấp là một nội dung bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm.
- Theo quy định tại Điều 32 Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15: “Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trường hợp không thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải hoặc Trọng tài hoặc Tòa án theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật”. Phương thức giải quyết tranh chấp trên phù hợp với nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong pháp luật về tố tụng dân sự. Theo đó các bên giải quyết tranh chấp trước tiên thông qua thương lượng. Trường hợp thương lượng không thành công thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết là các cơ quan tài phán như Trọng tài hoặc Tòa án.
- Theo điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
Theo quy định tại Điều 39 và Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự về việc lựa chọn Tòa án có thẩm quyền theo lãnh thổ, khách hàng có thể lựa chọn tòa án xét xử là tòa án nơi khách hàng cư trú hoặc tòa án nơi doanh nghiệp bảo hiểm có trụ sở chính. Khi xét xử tại tòa án, các chứng cứ xác thực là một yêu tố quan trọng trong việc đưa ra quyết định liên quan tới vụ việc.