Hội nghị Cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 25 và Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 48

Hội nghị Cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 25 và Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 48 14/12/2022 13:46:00 794

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hội nghị Cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 25 và Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 48

14/12/2022 13:46:00

Trong thời gian từ ngày 6-9/12/2022, dưới sự chủ trì của Cơ quan quản lý bảo hiểm Thái Lan (OIC), Hội nghị Cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 25 (AIRM25) và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 48 (AIC48) với chủ đề “Thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm ASEAN hướng tới số hóa và bền vững” đã diễn ra tại Băng Cốc,Thái Lan. Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Thư ký ASEAN, đại diện các cơ quan quản lý bảo hiểm và đại diện các Hiệp hội bảo hiểm của 10 nước thành viên ASEAN. Đoàn đại biểu cơ quan quản lý bảo hiểm Việt Nam do ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm làm trưởng đoàn và giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith đã tham dự phát biểu khai mạc Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan cho biết, bảo hiểm đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội bởi đây một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Đây cũng là công cụ quản lý rủi ro giúp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Ngoài ra, bảo hiểm còn đóng vai trò hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống. Vì vậy, Hội nghị Các cơ quan quản lý và Hội đồng bảo hiểm các nước ASEAN lần này là diễn đàn quan trọng nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ​​về việc xây dựng quy định pháp lý, thúc đẩy hợp tác và hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với xu hướng, môi trường kinh doanh bảo hiểm thay đổi liên tục với bước phát triển nhanh của công nghệ bảo hiểm tại các nước ASEAN. Nhất là trong 2 năm gần đây, sau đại dịch COVID-19, bảo hiểm đã thể hiện rõ vai trò của mình qua việc thiết kế các sản phẩm về các bệnh do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh này, vẫn còn một số hạn chế cần lấy làm bài học để hoàn thiện hơn nữa trong thiết kế sản phẩm mới.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng nhấn mạnh, bảo hiểm ASEAN nên tập trung vào việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm bền vững để hỗ trợ xu hướng toàn cầu, tập trung vào nền kinh tế ESG (Environmental-Môi trường, Social-Xã hội và Governance-Quản trị); Điều chỉnh hoạt động quản lý theo hướng có trách nhiệm với môi trường, xã hội, quản trị tốt và chung tay giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu. Tại Thái Lan, hiện nay bảo hiểm đang tập trung vào các hoạt động có trách nhiệm với môi trường, theo đó đẩy mạnh bảo hiểm thiên tai và bảo hiểm nông nghiệp. Thái Lan đã bảo vệ người nông dân trong nhiều năm dưới hình thức bảo hiểm cây lúa, ngô. Ngoài ra, Bộ trưởng có mong muốn tại Hội nghị này, các đại biểu thảo luận chi tiết thêm về bảo hiểm sức khỏe nhằm hỗ trợ xã hội với dân số ngày càng già hóa.

Sau lễ khai mạc là các cuộc họp của AIRM, AIC và phiên toàn thể. Tại các cuộc họp, lãnh đạo các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN đã tập trung thảo luận 02 vấn đề chính là phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, vai trò của bảo hiểm đối với nền kinh tế ASEAN và đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, 03 nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận chi tiết tại các cuộc họp như sau:

Thứ nhất, tiến độ triển khai Dự án quản lý tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Cụ thể, sáng kiến Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ADRFI) - giai đoạn 2 sẽ hỗ trợ các nước thành viên trong việc lập kế hoạch và đánh giá rủi ro thiên tai.

Thứ hai, những phát triển quan trọng về quy định pháp đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong ASEAN, nhất những quy định điều chỉnh, bổ sung sau 2 năm đại dịch Covid-19. Theo đó, tập trung vào phát triển Khung đánh giá khả năng phục hồi trên không gian mạng (CRAF), hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực bảo hiểm một cách an toàn và bảo mật.

Thứ ba, tiến độ thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của ASEAN. Các quốc gia thành viên đang xây dựng và kết nối hệ thống ACMI (Asean compulsory motor insurance system).

Ngoài các cuộc họp của AIRM và AIC, còn có các cuộc họp của Viện Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm ASEAN (AITRI), hội thảo của Ủy ban điều phối liên ngành ASEAN về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai (ACSCC), các cuộc họp Nhóm công tác chia sẻ nghiên cứu về thảm họa thiên nhiên ASEAN (ANDREWS) và Nhóm công tác tái bảo hiểm ASEAN.

Có thế thấy rằng Hội nghị này là điểm nổi bật của hoạt động hợp tác bảo hiểm ASEAN giữa các cơ quan quản lý bảo hiểm và khối doanh nghiệp bảo hiểm. Thông qua cơ chế đối thoại này, cơ quan quản lý có cơ hội tham vấn ý kiến phản hồi để có những quyết sách phù hợp.Trong khi đó các doanh nghiệp bảo hiểm có cơ hội tiếp cận, trao đổi và đề xuất xử lý những vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Hội nghị AIRM 25 và Hội nghị AIC 48 đã thống nhất Việt Nam sẽ là nước đăng cai và chủ trì tổ chức Hội nghị AIRM 26 và Hội nghị AIC 49 vào năm 2023.

IMG_0130.jpg

Phiên toàn thể khai mạc Hội nghị

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%