Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai 14/05/2021 14:53:00 891

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai

14/05/2021 14:53:00

Thực hiện công văn số 4695/BTC-KHTC ngày 10/5/2021 của Bộ Tài chính về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2021, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai năm 2021 và kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống phòng chống thiên tai nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức, động viên tinh thần công chức, viên chức, người lao động Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có trách nhiệm xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.

Chủ đề của Tuần lễ quốc gia năm 2021 là “Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”, với mục tiêu: nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mùa mưa bão năm 2021; tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật, kiến thức về phòng chống thiên tai cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm tạo sự đồng thuận, ý thức chủ động trong phòng, chống thiên tai.đẩy mạnh công tác phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó với thiên tai; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai; xây dựng và tổ chức diễn tập phương án phòng, chống thiên tai tại từng đơn vị theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) đảm bảo ứng trực kịp thời làm nhiệm vụ khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Các hoạt động đề ra nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động trong công tác phòng chống thiên tai và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mùa mưa bão năm 2021.

Ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó đã đề ra những nhiệm vụ giải pháp chung như sau:

a) Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai, nhất là tiêu chuẩn tiêu thoát nước ở các đô thị, phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, cũng như nhà ở của người dân; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đầu tư cho phòng chống thiên tai; vận hành Quỹ phòng chống thiên tai; bảo hiểm rủi ro thiên tai; đóng góp tài chính và trách nhiệm bảo vệ, phục hồi đối với các hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất đối với bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai.

b) Nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, trong đó tập trung: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó khi xảy ra tình huống thiên tai lớn, phức tạp cho các cấp chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại; Đẩy mạnh thông tin truyền thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu, kết hợp giữa phương thức truyền thống với ứng dụng công nghệ để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời; Tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai; Xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ người dân phòng chống thiên tai tại cấp xã và doanh nghiệp.

c) Kiện toàn tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai: tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai. Cập nhật và số hóa dữ liệu ngành khí tượng thủy văn, môi trường, chia sẻ thông tin về khí tượng thủy văn với các cơ quan liên quan trong nước và quốc tế. Đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai. Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông, suối gần biên giới.; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phòng, chống thiên tai; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai

d) Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội

đ) Đầu tư củng cố, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt tới tất cả các địa phương, người dân trên cả nước và tàu thuyền hoạt động trên biển, trong đó ưu tiên đầu tư mở rộng các trạm thông tin vệ tinh mặt đất, thiết bị thông tin lưu động và hệ thống quản lý tàu cá qua vệ tinh; Nâng cấp cơ sở hạ tầng, chủ động thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu; Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai

e) Khoa học công nghệ: nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai; Phát triển ứng dụng công nghệ trong quản lý giám sát tàu cá. Nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình phòng chống thiên tai đảm bảo bền vững, thân thiện với môi trường.

g) Tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác phát triển, nhà tài trợ, cơ quan nghiên cứu khoa học để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới về phòng, chống thiên tai, nhất là về dự báo, cảnh báo thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, quản lý tài nguyên nước đối với hệ thống sông xuyên biên giới, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tránh trú bão, đồng thời tranh thủ vận động hỗ trợ của quốc tế trong phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.