Chiều 28/3/2016 tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Cục QLBH) đã tổ chức Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm năm 2016. Đồng chí Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục QLBH chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài tại thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Ông Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục QLBH phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại Hội nghị, thay mặt Cục QLBH, đồng chí Phạm Thu Phương – Phó Cục trưởng đã trình bày báo cáo đánh giá thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2015, định hướng năm 2016 và đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015. Theo đó, năm 2015 thị trường đã đạt kết quả sau:
- Tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng; gần 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe; 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); 30 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hàng không, tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập 61%).
- Thị trường bảo hiểm đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2015 với tổng doanh thu bảo hiểm đạt 84.375 tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 70.190 tỷ đồng (tăng 25,75%), doanh thu hoạt động đầu tư đạt 14.185 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 200.023 tỷ đồng (tăng 17,48%), tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt 130.391 tỷ đồng (tăng 21,09%), tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt 44.917 tỷ đồng (tăng 7,82%), chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 26.797 tỷ đồng (tăng 23,4%), đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 157.266 tỷ đồng (tăng 24,9%). Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 7.733 tỷ đồng, tăng 18,5%; tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm là 569 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2014.
- Thống nhất về mặt thể chế giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm với các Bộ luật cơ bản, cụ thể: Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung đã được kỳ họp Quốc hội thứ 10 khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015 trong đó bổ sung tội danh “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” có tác dụng phòng, chống việc gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; Bộ Luật Dân sự sửa đổi, bổ sung đã được QH thông qua ngày 24/11/2015 trong đó bỏ Chương “Hợp đồng bảo hiểm” để tránh xung đột pháp luật với các quy định về HĐBH trong Luật Kinh doanh bảo hiểm.
- Hoàn thành cơ bản công tác tái cấu trúc các DNBH theo Quyết định 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả là 45/46 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu và biên khả năng thanh toán theo quy định (năm 2014 chỉ có 43/46 DN). Các Tập đoàn nhà nước đã hoàn thành việc thoái vốn khỏi các DNBH mà vẫn đảm bảo DNBH hoạt động ổn định.
- Các DNBH nỗ lực trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các sản phẩm hiện đang triển khai nhằm phù hợp hơn với thực tiễn kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển sản phẩm bảo hiểm mới nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người tham gia bảo hiểm.
- Mạng lưới hoạt động, kênh phân phối ngày càng được mở rộng và chuyên nghiệp hóa, chất lượng dịch vụ bảo hiểm từng bước được nâng cao (Một số DNBH nhân thọ đã rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm xuống còn 30 phút trong trường hợp có đầy đủ hồ sơ và số tiền chi trả lên đến 100 triệu đồng).
- Bộ Tài chính phát hành thành công 6.230 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm và 3.900 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm cho các DNBH nhân thọ. Năm 2015 là năm đầu tiên trái phiếu chính phủ được phát hành riêng cho các DNBH, thể hiện lòng tin và cam kết mạnh mẽ của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, góp phần tái cơ cấu nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bà Phạm Thu Phương – Phó Cục trưởng Cục QLBH báo cáo tổng kết thị trường bảo hiểm năm 2015
Các kết quả này đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu theo 06 nhóm giải pháp đề ra trong giai đoạn 2011-2015 tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Thị trường bảo hiểm mặc dù tăng trưởng cao, ổn định song quy mô thị trường bảo hiểm vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; sự hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các DNBH còn hạn chế; công tác tuyên truyền chưa tổng thể; công tác quản trị rủi ro, quản trị tài chính còn phân tán, khó kiểm soát gian lận bảo hiểm.
Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra tại Chiến lược giai đoạn 2016-2020, năm 2016 và các năm tiếp theo cơ quan quản lý nhà nước, DNBH và Hiệp hội bảo hiểm cần tập trung vào các nhóm giải pháp:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo hướng tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện các chính sách bảo hiểm như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thuỷ sản, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm vi mô...
Dự kiến trong năm 2016, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung 02 Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh bảo hiểm theo hướng kế thừa các quy định còn phù hợp với thực tiễn của các Nghị định hiện tại; nâng các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính từ các Thông tư lên Nghị định nhằm đáp ứng yêu cầu của Luật đầu tư 2014, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực quản trị, điều hành của các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Dự kiến Nghị định liên quan đến điều kiện và thủ tục hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ ban hành để đảm bảo có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 (Ngày Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực); Nghị định về chế độ tài chính đối với DNBH sẽ trình Chính phủ ban hành trong Quý IV/2016 (để đảm bảo có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 – ngày bắt đầu năm tài chính 2017).
Hai là, nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH theo hướng giám sát, đôn đốc DNBH tự đánh giá, xếp loại theo các tiêu chí quy định tại Thông tư 195/2014/TT-BTC để có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp, đảm bảo duy trì an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; nghiên cứu triển khai mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro; ban hành các quy định về quản trị rủi ro doanh nghiệp, tăng cường hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp và kết nối toàn thị trường; hoàn thành và triển khai Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm nhằm phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp hóa và có chuyên môn cao cho các DNBH.
Ba là, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm có tính cộng đồng và an sinh xã hội cao, cho phép điều chỉnh các sản phẩm bảo hiểm linh hoạt phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng cá nhân. Xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường phục vụ cho việc định phí bảo hiểm, tạo mặt bằng về mức phí sàn, góp phần lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trên thị trường.
Bốn là, đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm theo hướng mở rộng hình thức thi đại lý bảo hiểm trực tuyến tập trung; tăng cường quản lý chất lượng thi đại lý để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại lý; nghiên cứu ban hành hướng dẫn đối với các kênh phân phối mới (thương mại điện tử, điện thoại di động...) nhằm tạo hành lang pháp lý giúp DNBH đa dạng hóa kênh phân phối.
Năm là, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm theo hướng tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát DNBH; nghiên cứu, đề xuất tổ chức bộ phận chuyên trách hỗ trợ phòng chống gian lận bảo hiểm, hỗ trợ tư vấn pháp lý, trọng tài; xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa cơ quan quản lý và thị trường nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; hệ thống hỗ trợ công tác phân tích, đánh giá và cảnh báo nguy cơ sớm của doanh nghiệp.
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm, đảm bảo thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ.
Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh đã trao tặng Giấy khen cho 10 DNBH có thành tích góp phần xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2015
Tại Hội nghị, các DNBH, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã phát biểu thẳng thắn, cởi mở, dân chủ và thể hiện sự nhất trí cao với kết quả đạt được, một số tồn tại, định hướng và giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới. Kết luận Hội nghị, đồng chí Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục QLBH tin tưởng với sự thống nhất, đồng thuận và hướng đi đúng đắn cùng với những tín hiệu khả quan của thị trường trong 3 tháng đầu năm 2016, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.