Hướng tới việc áp dụng mô hình quản lý và sử dụng vốn của DNBH phù hợp với quy mô hoạt động, rủi ro kinh doanh, tăng cường tính tự chủ trong quản lý, giám sát tại từng doanh nghiệp

Hướng tới việc áp dụng mô hình quản lý và sử dụng vốn của DNBH phù hợp với quy mô hoạt động, rủi ro kinh doanh, tăng cường tính tự chủ trong quản lý, giám sát tại từng doanh nghiệp 09/12/2014 11:04:00 2468

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hướng tới việc áp dụng mô hình quản lý và sử dụng vốn của DNBH phù hợp với quy mô hoạt động, rủi ro kinh doanh, tăng cường tính tự chủ trong quản lý, giám sát tại từng doanh nghiệp

09/12/2014 11:04:00

Hướng tới việc áp dụng mô hình quản lý và sử dụng vốn của DNBH phù hợp với quy mô hoạt động, rủi ro kinh doanh, tăng cường tính tự chủ trong quản lý, giám sát tại từng doanh nghiệp

Nhằm đảm bảo khả năng thanh toán và cam kết của DNBH đối với khách hàng, đặc biệt trong những trường hợp rủi ro bảo hiểm lớn, số tiền bồi thường vượt quá dự phòng nghiệp vụ đã trích lập và số phí bảo hiểm thu được trong kỳ, các cơ quan quản lý nhà nước đều đưa ra các quy định về vốn tối thiểu mà một DNBH phải duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Bên cạnh đó, các quy định về vốn còn được sử dụng nhằm tăng trách nhiệm của các DNBH cũng như hiệu quả của hoạt động đầu tư phí bảo hiểm. Trong giai đoạn đầu khi DNBH mới thành lập, nguồn phí bảo hiểm thu được còn nhỏ, cần có thêm nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp để có thể dạng hóa danh mục đầu tư, tăng quy mô đầu tư nhằm đạt tới hiệu quả tối ưu nhất.

Ngoài ra, quy định về vốn tối thiểu còn được các cơ quan quản lý sử dụng để chọn lọc, chỉ cấp phép thành lập những doanh nghiệp có khả năng tài chính vững mạnh, có mục tiêu và kế hoạch đầu tư lâu dài, có thể đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong dài hạn.

1. Quy định hiện hành về vốn và khả năng thanh toán của Việt Nam

Tại  Việt Nam, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về mức vốn và khả năng thanh toán tối thiểu, đồng thời quy định những biện pháp chế tài của cơ quan quản lý để đảm bảo khả năng thanh toán của DNBH.

Về vốn: DNBH phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu không thấp hơn mức vốn pháp định (600 tỷ đối với các DNBH nhân thọ; 300 tỷ đối với DNBH phi nhân thọ; 4 tỷ đối với doanh nghiệp môi giới).

Biên khả năng thanh toán: DNBH phải luôn duy trì biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu của doanh nghiệp. Khi biên khả năng thanh toán thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu, DNBH bị coi là có nguy cơ mất khả năng thanh toán và buộc phải áp dụng các biện pháp khôi phục. Trong trường hợp DNBH không thể khôi phục khả năng thanh toán theo phương án đã được chấp thuận, Cơ quan quản lý (Bộ Tài chính) sẽ thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Các quy định hiện hành về vốn của Việt Nam là khá thận trọng, vốn pháp định được quy định ở mức cao so với thông lệ quốc tế (từ 500 nghìn USD đến 6 triệu USD). Bên cạnh đó, các quy định về biên khả năng thanh toán tối thiểu của doanh nghiệp cũng đã tính đến một số rủi ro liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như rủi ro bảo hiểm, rủi ro tài sản và tính thanh khoản, rủi ro lãi suất đầu tư.

Mặc dù các quy định là thận trọng, các DNBH nhân thọ của Việt Nam đều đáp ứng các yêu cầu về vốn cũng như khả năng thanh toán. Tính đến cuối năm 2013, trừ Hanwha Life, Prévoir có mức vốn chủ sở hữu nhỏ hơn vốn pháp định và buộc phải tăng vốn để đảm bảo quy định, các DNBH nhân thọ khác đều có mức vốn cao hơn vốn pháp định. 50% số doanh nghiệp có mức vốn chủ sở hữu hơn 1.000 tỷ đồng. Biên khả năng thanh toán của các DNBH nhân thọ đều cao hơn 100% biên khả năng thanh toán tối thiểu, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập, có biên khả năng thanh toán ở mức 10-30 lần biên khả năng thanh toán tối thiểu.

Bảng 1: Thống kê về biên khả năng thanh toán của DNBH nhân thọ

                                                                                                                 Đơn vị: tỷ đồng

Tên doanh nghiệp

Vốn chủ sở hữu

Biên KNTT

% so với biên KNTT tối thiểu

Bảo Việt

2.212

1.575

200%

Prudential

3.901

2.954

139%

Manulife

1.677

1.333

364%

AIA

1.224

1.109

231%

Dai-ichi

1.472

1.341

295%

ACE Life

1.130

1.087

300%

Prévoir

564

941

1484%

GE

656

656

603%

Cathay

2.030

1.992

12927%

VCLI

630

622

6195%

Hanwha

523

483

927%

Fubon

718

678

75359%

Generali

655

640

5724%

Aviva

875

853

37300%

PVISL

1.137

1.575

200%

Tuy vậy, cách quy định như hiện tại chưa phân loại được yêu cầu về vốn đối với doanh nghiệp theo quy mô hoạt động và rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp đó. Một mức vốn pháp định ban đầu cố định có thể là thừa đối với các DNBH nhỏ nhưng lại không đủ để đảm bảo khả năng thanh toán về dài hạn đối với các DNBH lớn. Khi quy mô hoạt động của DNBH ngày càng phát triển, nguồn vốn pháp định ban đầu  nếu không được bổ sung sẽ ngày càng nhỏ so với mức trách nhiệm nhận bảo hiểm, biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp vì thế mà giảm dần.

2.  Xu hướng quốc tế chuyển sang mô hình quản lý vốn dựa trên quy mô hoạt động, rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp

Trên thế giới, nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của DNBH và đảm bảo được các cam kết của DNBH đối với khách hàng, cơ quan quản lý các nước đều đưa ra quy định về vốn. Có hai phương pháp tiếp cận khi đưa ra quy định về vốn: 

-Quy định vốn pháp định: DNBH phải duy trì vốn chủ sở hữu không thấp hơn một con số cố định (thông thường từ 5-6 triệu USD)  trong suốt quá trình hoạt động. Quy định này đang được các nước Châu Âu áp dụng. Tuy nhiên, các nước này cũng đang thử nghiệm để chuyển sang áp dụng một mô hình quản lý mới, dự kiến bắt đầu từ năm 2016, kết hợp việc sử dụng 3 trụ cột về vốn, quản trị doanh nghiệp và minh bạch hệ thống báo cáo (gọi là Biên khả năng thanh toán 2). Theo đó, việc giám sát được thực hiện trên cơ sở phát hiện sớm về từng loại rủi ro của doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện có một số nước Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hồng Kông, Lào, Cam-pu-chia,.. áp dụng, với mô hình đơn giản nhất (gọi là Biên khả năng thanh toán 1). Trong đó, Việt Nam kết hợp với việc quy định tính toán Biên khả năng thanh toán có kết hợp với việc loại trừ rủi ro tài sản và rủi ro thanh khoản.

- Quy định về vốn trên cơ sở rủi ro: Theo quy định này, nguồn vốn tối thiểu của doanh nghiệp được xác định dựa trên quy mô hoạt động và rủi ro kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Tại Mỹ, sau hàng loạt vụ mất khả năng thanh toán của các công ty lớn vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cơ quan quản lý bảo hiểm Hoa kỳ đã thành lập nhóm nghiên cứu để đưa ra quy định mới về vốn cho phép phân loại được doanh nghiệp theo quy mô kinh doanh, rủi ro kinh doanh. Quy định này hiện đang dần được áp dụng với các mức độ phát triển khác nhau tại các nước Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Úc, New Zerland và một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Indonesia.

Quy định về vốn của các nước

Các quy định về quản lý vốn theo quy mô hoạt động và rủi ro kinh doanh thường bao gồm hai nhóm nội dung chính: công thức để xác định mức vốn  tối thiểu cần thiết (RBC) và các hình thức can thiệp của cơ quan quản lý tùy thuộc mức độ thiếu hụt vốn so với kết quả tính RBC của doanh nghiệp. Các biện pháp can thiệp và điều chỉnh thường được thiết kế để áp dụng can thiệp sớm trong quá trình quản lý nhằm ngăn chặn doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Đối với mỗi nước, tùy theo đặc tính và sự phát triển của thị trường bảo hiểm, thị trường tài chính, loại hình bảo hiểm kinh doanh mà công thức xác định mức vốn tối thiểu cần thiết và các ngưỡng can thiệp của nhà nước có khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy một số thành tố chung được sử dụng để xác định RBC, bao gồm: rủi ro bảo hiểm (rủi ro khai thác), rủi ro tài sản, rủi ro kinh doanh, rủi ro lãi suất, rủi ro tín dụng và rủi ro thị trường.

3. Hướng tới việc áp dụng mô hình quản lý vốn theo quy mô hoạt động, rủi ro kinh doanh của DNBH tại Việt Nam.

Mặc dù quy định hiện tại của Việt Nam là khá thận trọng với mức vốn pháp định tương đối cao, tuy nhiên, việc chuyển sang quản lý theo mô hình vốn trên cơ sở rủi ro là cần thiết. Mô hình này vừa giúp cơ quan quản lý có các biện pháp chế tài cần thiết phù hợp với thực tế tình hình tài chính và rủi ro của từng doanh nghiệp, vừa giúp doanh nghiệp tăng tính tự chủ trong quản lý nguồn vốn, từ đó tính toán được số vốn cần thiết tương ứng với từng thời điểm để chủ động bổ sung ngay khi thiếu hụt.

Theo kinh nghiệm của các nước, việc chuyển từ cơ chế vốn pháp định sang vốn trên cơ sở rủi ro là một quá trình phức tạp đòi hỏi phải có những điều kiện tiền đề nhất định và việc chuyển đổi phải tiến hành từng bước, phù hợp với khung pháp lý chung về chuẩn mực kế toán, tài chính, đầu tư.

Hầu hết mô hình quản lý vốn theo quy mô hoạt động và rủi ro kinh doanh hiện đang được các nước Châu Á áp dụng đều đòi hỏi sử dụng mô hình dòng tiền và việc định giá tài sản dựa trên giá trị thị trường. Những mô hình này khó áp dụng trong điều kiện Việt Nam hiện nay do chế độ kế toán vẫn sử dụng giá trị ghi sổ. Việc chuyển đổi sang mô hình quản lý vốn theo quy mô hoạt động và rủi ro kinh doanh của Việt Nam do đó cần được tiến hành theo lộ trình 2 bước:

Trước năm 2017, sẽ thực hiện áp dụng mô hình tương đối đơn giản để phù hợp với chế độ kế toán hiện hành, nguồn vốn tối thiểu cần thiết sẽ được tính dựa trên tổng hợp mối tương quan của 4 nhân tố chính: C1: rủi ro tài sản, C2: rủi ro bảo hiểm; C3: rủi ro lãi suất; C4: rủi ro chung.  Trong đó:

Rủi ro tài sản (C1): phản ánh biến động trong giá trị của tài sản khả năng không thu hồi được tài sản.

Rủi ro bảo hiểm (C2): phản ánh số tiền cần thiết để bù đắp cho các yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm vượt mức quy định, xuất phát từ sai sót trong định phí và trích lập dự phòng.

Rủi ro lãi suất (C3): phản ánh số vốn cần thiết để bù đắp những thua lỗ do sự thay đổi của lãi suất, bao gồm cả việc lãi suất đầu tư thu được thấp hơn mức cam kết với bên mua bảo hiểm và việc hủy hợp đồng khi lãi suất trên thị trường tài chính tăng cao hơn lãi suất cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.

Rủi ro chung (C4): phản ánh số vốn cần bù đắp cho các rủi ro về thị trường , quy mô và rủi ro kinh doanh.

Sau 2017, khi chế độ kế toán cho phép định giá tài sản theo giá trị thị trường, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá rộng đối với các doanh nghiệp, điều chỉnh lại mô hình sao cho phù hợp với thực tế thị trường và thông lệ quốc tế, phân loại được từng doanh nghiệp theo quy mô kinh doanh, số vốn cần có đối với từng nhóm doanh nghiệp, đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả và phù hợp nhất.