Đề xuất xử lý hình sự đối với một số hành vi trục lợi bảo hiểm

Đề xuất xử lý hình sự đối với một số hành vi trục lợi bảo hiểm 09/09/2015 17:02:00 2296

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đề xuất xử lý hình sự đối với một số hành vi trục lợi bảo hiểm

09/09/2015 17:02:00

image

Lãnh đạo Cục QLBH và Vụ Pháp chế Bộ Tài chính chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật hành chính - hình sự), Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Tại Hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế đã trình bày tổng quát về định hướng chung của Bộ trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) có liên quan đến lĩnh vực tài chính; đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trình bày về sự cần thiết bổ sung tội danh về trục lợi bảo hiểm vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Đến nay, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội và gửi lấy ý kiến toàn dân quy định 10 tội danh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính (tăng 02 tội danh so với Luật năm 1999). Liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã bổ sung mới tội danh về trục lợi bảo hiểm.

Thực trạng trục lợi bảo hiểm

Hiện nay, số vụ trục lợi bảo hiểm phát hiện ngày càng nhiều, gia tăng qua các năm. Hành vi trục lợi xảy ra ở hầu hết các loại hình nghiệp vụ. Hành vi trục lợi không rời rạc, riêng lẻ mà ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều trường hợp có sự cấu kết, thông đồng giữa khách hàng, nhân viên của DNBH, đại lý bảo hiểm, bên thứ ba có liên quan như nhân viên giám định, bác sỹ, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sửa chữa xe,...

Theo thống kê sơ bộ của các DNBH, trong giai đoạn 2007-2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3%/năm. Tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỷ đồng, trung bình gần 110 tỷ đồng/năm. Trục lợi bảo hiểm gây hậu quả rất lớn đối với DNBH, người tham gia bảo hiểm chân chính. Ngoài ra, còn làm mất niềm tin của người dân, của nhà đầu tư vào hoạt động của DNBH, ảnh hưởng đến chính sách thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm

Tính đến thời điểm hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa xử phạt được trường hợp nào liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm. Bên cạnh đó, những vụ việc tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do Tòa án thụ lý, giải quyết cũng chưa xử lý được bất kỳ tổ chức, cá nhân nào liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm.

Qua thực tiễn giải quyết các vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, nhất là hành vi trục lợi bảo hiểm thì thấy rằng, việc áp dụng các loại chế tài pháp lý mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu quản lý thực tế, chưa đủ sức răn đe đối với các vi phạm pháp luật có liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm. Cụ thể như sau:

- Đối với chế tài hành chính, Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, xổ số chưa bao quát được hết các hành vi trục lợi bảo hiểm và đối tượng trục lợi bảo hiểm (do thực tế biến đổi nhanh chóng, hành vi trục lợi ngày càng tinh vi), mức xử phạt còn thấp.

- Đối với chế tài dân sự, trường hợp có tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm, phán quyết của Tòa án dân sự chỉ dừng lại ở việc tuyên DNBH có phải bồi thường hay không (hậu quả về vật chất).

- Đối với chế tài hình sự: Chưa có quy định riêng về xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi bảo hiểm. Hiện đang vận dụng các quy định về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức; tội tham ô tài sản,… tại Bộ Luật Hình sự để xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, các tội danh này chưa phản ánh đúng bản chất và đặc trưng của hành vi trục lợi bảo hiểm, do đó rất khó áp dụng trong thực tế. Trong thời gian qua, việc xử lý hình sự đối với người có hành vi trục lợi bảo hiểm không nhiều. Trong một số trường hợp, việc áp dụng tội danh đối với hành vi trục lợi bảo hiểm của những người vi phạm không nhất quán, chưa đảm bảo tính công bằng trong việc áp dụng chế tài hình sự. Thực tế cho thấy, người trục lợi vẫn ngang nhiên trục lợi, nếu bị phát hiện thì xấu nhất là không được nhận tiền bảo hiểm.

image 

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp, VCCI, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đều thống nhất cao về việc bổ sung tội danh trục lợi bảo hiểm vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm hình sự để tránh trùng lắp, chồng chéo với các quy định khác tại Bộ luật hình sự; quy định rõ thời điểm để xác định tội danh ; bổ sung chế tài về trách nhiệm liên đới của DNBH khi nhân viên DNBH cấu kết với khách hàng thực hiện hành vi trục lợi ; với các đối tượng trục lợi bảo hiểm với số tiền không lớn nhưng phạm tội nhiều lần trong một thời gian nhất định.

Kết thúc Hội thảo, Ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải bổ sung tội danh trục lợi bảo hiểm như tại dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) nhằm thống nhất tội danh cho đúng bản chất của hành vi trục lợi bảo hiểm, tạo hành lang pháp lý để các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm được đối xử bình đẳng như các chủ thể khác trong nền kinh tế xã hội. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và Vụ Pháp chế sẽ tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.