Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2021 giảm 0,62%

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2021 giảm 0,62% 13/10/2021 09:16:00 2368

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2021 giảm 0,62%

13/10/2021 09:16:00

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2021 giảm 0,62%

 

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm chủ yếu do giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm; Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho các khách hàng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020. CPI bình quân quý III/2021 tăng 2,51%. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2021 tăng 1,82%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 (năm 2016: tăng 2,07%; năm 2017: tăng 3,79%; năm 2018: tăng 3,57%; năm 2019: tăng 2,50%; năm 2020: tăng 3,85%; năm 2021: tăng 1,82%).

Tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 9 có sự chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách và mức tăng chung cả nước. So với tháng trước, khu vực thành thị giảm 0,6%, khu vực nông thôn giảm 0,64%. Chỉ số giá tại các địa phương như sau: Hà Nội giảm 0,60%, TP Hồ Chí Minh giảm 0,53%, Thái Nguyên giảm 0,45%, Hải Phòng giảm 0,19%, Thừa Thiên Huế giảm 0,10%, Đà Nẵng giảm 2,05%, Khánh Hòa giảm 0,59%, Gia Lai giảm 0,07%, Vĩnh Long giảm 0,42%, Cần Thơ giảm 0,65%.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,82%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng Tám và 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CPI tháng 9/2021 theo cơ cấu nhóm hàng

Xét theo cơ cấu nhóm hàng: So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính trong tháng 9/2021 có 5 nhóm giảm giá gồm: Giáo dục giảm 2,89%; Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,99%; Giao thông giảm 0,16%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16%; Bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

06 nhóm tăng giá gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%; May mặc, mũ nón giầy dép tăng 0,02%; Văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,01%.

Một số nguyên nhân góp phần làm giảm áp lực lên CPI trong tháng 9/2021 là: (1) Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm mạnh 1,99% (làm CPI chung giảm 0,37%) do (i) giá thuê nhà giảm khi nhiều hộ gia đình giảm giá để chia sẻ khó khăn với người đi thuê hoặc để khuyến khích cho thuê lâu dài trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; (ii) giá điện, nước sinh hoạt giảm do chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng nhu cầu tiêu dùng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang thu; (iii) Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm khi nhu cầu xây dựng, sửa chữa giảm do dịch bệnh phức tạp (2) Nhóm giáo dục giảm 2,89% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,18%) do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-20221. (3) Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16% do nguồn cung dồi dào khiến giá gạo và thịt lợn lần lượt giảm 0,17% và 2,52%. (4) Nhóm giao thông giảm 0,16% so với tháng trước do giá nhiên liệu bình quân và giá ô tô đã qua sử dụng giảm; (4) Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%, tập trung giảm ở giá điện thoại di động và máy tính bảng.

Các nguyên nhân làm tăng áp lực lên CPI tháng 9/2021: (1) Nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 9/2021 có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,17% chủ yếu do giá thuốc lá tăng khi chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung hạn chế2; (2) Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do nhu cầu sử dụng các thiết bị tủ lạnh; máy vi tính và phụ kiện; máy in, máy chiếu, máy quét tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội (lần lượt tăng 0,3%; tăng 0,29% và tăng 0,46%) khiến cho chỉ số; (3) Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ 0,03%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,11%; (4) Một số nhóm hàng có mức tăng giá nhẹ từ 0,01-0,02% gồm Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,02%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01% chủ yếu do giá hoa, cây cảnh tăng; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%.

Dự báo CPI và biện pháp điều hành trong tháng 10/2021

- Những yếu tố gây áp lực tăng giá: (i) Nhu cầu nguyên vật liệu cho sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ hồi phục khi tình hình kiểm soát dịch bệnh có chiều hướng được cải thiện trong khi chuối scung ứng bị đứt gãy, từ đó có thể gây áp lực chung lên mặt bằng giá; (ii) Yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm để thúc đẩy cơ sở hạ tầng sẽ làm tăng nhu cầu đối với các vật liệu xây dựng nhất là giá thép trong khi giá thế giới vẫn ở mức cao sẽ tác động đến giá vật liệu xây dựng trong nước. (iii) Giá nhiên liệu (xăng dầu, gas) trong nước dự báo vẫn sẽ chịu tác động từ giá thế giới; (iv) Ảnh hưởng của thời tiết mưa lũ có thể tác động tăng giá cục bộ tại một số địa phương.

- Một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá: (i) Giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiểm soát mức tăng giá; (ii) Các hoạt động văn hóa, du lịch ăn uống sẽ dần hồi phục khi các biện pháp kiếm soát dịch bệnh được nới lỏng nhưng nhu cầu dự kiến vẫn chưa thể tăng mạnh cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng đạt ngưỡng an toàn (iii) Các chính sách về tín dụng, tiền tệ vẫn được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt góp phần giữ ổn định lạm phát cơ bản.

Theo ước tính của Cục Quản lý giá, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 3 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng trên 4% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, có thể thấy việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.         

THANH HOA

*1 Tốc độ giảm chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tháng Chín so với tháng trước của một số địa phương: An Giang giảm 56,03%; Quảng Ninh giảm 17,49%; Đồng Nai giảm 7,29%; Hà Nội giảm 3,62%; Đà Nẵng giảm 2,82%.

*2 Chỉ số sản xuất sản phẩm thuốc lá điếu tháng 9/2021 ước tính giảm 12,7% so với tháng 9/2020, 9 tháng năm 2021 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%