Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Hướng dẫn số 92/HD-TLĐ về công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án, trong đó có nội dung thu hút nhiều sự quan tâm là yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo Hướng dẫn số 92/HD-TLĐ, để xác định điều kiện yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công, chủ thể yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Theo quy định tại khoản 1 Điều 403 Bộ luật Lao động, trong quá trình đình công hoặc trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt đình công, công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo đình công; Công đoàn cấp trên được công đoàn cơ sở ủy quyền có quyền yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Đồng thời, yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công chưa được Tòa án giải quyết bằng quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đơn yêu cầu và các tài liệu chứng cứ kèm theo phải đúng quy định tại Điều 362 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Hồ sơ yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công bao gồm: Đơn yêu cầu và các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của Công đoàn là có căn cứ và hợp pháp. Đơn yêu cầu phải đảm bảo các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 362 Bộ luật Tố tụng Dân sự và phải có tên, địa chỉ của công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo cuộc đình công; tên, địa chỉ của người sử dụng lao động tập thể nơi tập thể lao động đình công.
Tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu gồm: Các giấy tờ chứng minh tư cách của người yêu cầu: Giấy ủy quyền có công chứng, giấy giới thiệu cán bộ công đoàn tham gia tố tụng tại Tòa án; Bản sao quyết định đình công, quyết định hoặc biên bản hòa giải, giải quyết tổ chức lao động của hòa giải viên lao động, Ban trọng tài lao động, tài liệu, chứng cứ khác có liên quan đến việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công được thực hiện theo quy định.
Liên quan tới nội dung chuẩn bị tham gia phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 402 Bộ luật Tố tụng Dân sự, thời hạn chuẩn bị xét tính hợp pháp cuộc đình công là 5 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án nhận được đơn yêu cầu. Hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Trong thời gian này, Công đoàn tiếp tục thu thập tài liệu chứng cứ để bổ sung tài liệu, chứng cứ nếu Tòa án yêu cầu; chuẩn bị các tài liệu liên quan cho phiên họp và tiến hành thương lượng, hòa giải với người sử dụng lao động khi có cơ hội.
Trường hợp phía người sử dụng lao động đề xuất nội dung thương lượng hoặc đưa ra phương án hòa giải đề nghị Công đoàn xem xét, thì Công đoàn cần phải tổ chức việc lấy ý kiến của tập thể lao động về nội dung hoặc phương án do người sử lao động đưa ra.
Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết cuộc đình công: Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản ghi nhận nội dung thỏa thuận, sau đó gửi đơn yêu cầu Tòa án không giải quyết hoặc có văn bản rút đơn yêu cầu để Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 409 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được về việc giải quyết cuộc đình công và Tòa án có quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công: Công đoàn cần chuẩn bị phần nội dung trình bày tại phiên họp; trong đó, chú ý chuẩn bị các quan điểm pháp lý, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cuộc đình công là hợp pháp.
Ngoài các nội dung trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng hướng dẫn chi tiết việc tham gia phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Theo đó, tại Điều 410 Bộ luật Tố tụng Dân sự, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Tại phiên họp, cán bộ công đoàn tập trung trình bày các nội dung để chứng minh cuộc đình công là hợp pháp gồm căn cứ, lý do đình công (chứng cứ và căn cứ pháp lý chứng minh cho yêu cầu của tập thể lao động; quá trình thương lượng, hòa giải, giải quyết tại Hội đồng trọng tài lao động và lý do đình công); trình tự, thủ tục tiến hành đình công.
Nguyễn Hà