Hỏi:
Trân trọng kính gửi đến Bộ Tài chính một vấn đề cần được hướng dẫn và giải đáp! Công ty tôi đang hạch toán chế độ kế toán theo thông tư 200/2014/TT-BTC. Năm 2015 UBND tỉnh có văn bản yêu cầu công ty tôi dừng hoạt động khai thác và nổ mìn tại mỏ đá vôi do mỏ này nằm trong quy hoạch di tích lịch sử quốc gia. Tại thời điểm mỏ đá vôi dừng hoạt động Tài sản cố định đang sử dụng và trích khấu hao nguyên giá 7 tỷ, Xây dựng cơ bản dở dang chưa kết chuyển sang tài sản cố định là 17 tỷ. Năm 2024, theo đề án đóng cửa mỏ công ty phải di dời, tháo dỡ toàn bộ tài sản thiết bị trên về nhà máy. Một phần thiết bị không tái sử dụng được bán phế liệu, phần xây dựng không di dời được sẽ tiến hành phá dỡ hủy bỏ và không có giá trị thu hồi. Công ty chỉ di dời thiết bị có thể dùng được mang về nhà máy. Theo tôi đọc hiểu quy định, tôi sẽ ghi giảm tài sản như sau: 1. Ghi giảm các tài sản đang treo trên tài khoản 241, hạch toán: Nợ TK 811-Chi phí khác/Có TK 241-XDCBDD : 17 tỷ 2. Ghi giảm các tài sản cố định đang treo tài khoản 211, đến thời điểm năm 2024 tài sản cố định này đã hết khấu hao hạch toán: Nợ TK 214-Hao mòn lũy kế/ Có TK 211-TSCĐ: 7 tỷ 3. Phần thiết bị không tái sử dụng được bán phế liệu ghi vào tài khoản 711-Thu nhập khác. Toàn bộ thiết bị tháo dỡ mang về nhà máy công ty tôi đang nhập kho theo dõi về mặt số lượng, giá trị bằng 0. Xin hỏi Quý Bộ, tôi hạch toán như trên có đúng quy định không? Chi phí ghi vào tài khoản 811 trên có được tính là chi phí hợp lý hay không? Tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ phản hồi của Bộ Tài Chính để thực hiện đúng. Xin chân thành cảm ơn!
13/09/2024
Trả lời:

Trả lời phiếu câu hỏi số 090824-4, về việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính, tôi có ý kiến như sau:

1. Về kế toán thanh lý nhượng bán TSCĐ:

Việc kế toán thanh lý TSCĐ được quy định tại khoản 3.2.1 và khoản 3.2.2 Điều 35 Thông tư 200/2014/TT-BTC. Đề nghị Quý độc giả nghiên cứu và thực hiện.

2. Về kế toán đối với dự án bị hủy bỏ hoặc thu hồi:

Khoản 3.1.14 Điều 46 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định:

“Trường hợp dự án đầu tư bị hủy bỏ hoặc thu hồi, kế toán thanh lý dự án và thu hồi chi phí đầu tư. Phần chênh lệch giữa chi phí đầu tư và số thu từ việc thanh lý được phản ánh vào chi phí khác hoặc xác định trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân, ghi:

Nợ các TK 111, 112 - Số thu từ việc thanh lý dự án

Nợ TK 138 - Phải thu khác (Số tổ chức, cá nhân phải bồi thường)

Nợ TK 811 - Chi phí khác (Số được tính vào chi phí)

Có TK 241 - XDCB dở dang.”

Theo mô tả tại công văn thì dự án đầu tư của công ty Quý độc giả bị dừng hoạt động phải huỷ bỏ, do đó theo quy định nêu trên thì khoản chi phí đầu tư xây dựng cơ bản (đang được ghi nhận trên TK 241) bị hủy bỏ được ghi nhận vào chi phí khác sau khi trừ đi số tiền thu từ thanh lý, số phải thu từ bồi thường của tổ chức, cá nhân (nếu có) và giá trị của các thiết bị có thể dùng được tháo dỡ mang về nhà máy. Công ty phải tự xác định giá trị của các thiết bị tháo dỡ mang về nhà máy trên cơ sở giá gốc hoặc giá trị hợp lý của tài sản.

3. Việc xác định chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN thực hiện theo quy định pháp luật về thuế.

Đề nghị Quý độc giả nghiên cứu và thực hiện./.