Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính! Tôi là một công chức đang làm việc tại một cơ quan thuộc lĩnh vực KH&CN, có câu hỏi mong được Bộ Tài chính giải đáp liên quan đến Thông tư 03/2023/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 1. Về thẩm quyền ban hành định mức chi tại địa phương: Nhiều ý kiến cho rằng: Nếu ban hành nội dung và định mức chi thuộc Thông tư 03 thì thẩm quyền ban hành là UBND tỉnh (cụ thể UBND tỉnh ban hành Quyết định nội dung và định mức chi); Trường hợp bổ sung nội dung và định mức chi ngoài Thông tư 03 (phục vụ quản lý nhà nước nhiệm vụ KH&CN) do thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến hiểu rằng: Theo Luật Ngân sách và Nghị định 163/2013/NĐ-CP, UBND tỉnh/thành phố không có thẩm quyền ban hành định mức chi và thẩm quyền của Bộ Tài chính là ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách áp dụng chung cho cả nước (định mức dùng chung không phân biệt tình hình ngân sách, khả năng, đặc thù của địa phương). Trong khi đó, Thông tư 03 không phải là định mức áp dụng chung cho cả nước.Theo Luật tổ chức chính quyền địa phương, xét về nhiệm vụ và quyền hạn của H ĐND, UBDN tỉnh thì HDND tỉnh có quyền hạn quyết định “các biện pháp khuyến khích nghiên cứu khoa học” (Điểm b, khoản 4, ĐIều 19) và UBDN tỉnh có trách nhiệm “xem xét, trình HDND tỉnh tỉnh quyết định”, hoặc“tổ chức thực hiện”, “thực hiện các nhiệm vụ tổ chức và đảm bảo thi hành pháp luật”...; Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết HĐND tỉnh để quy định “biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ngoài ra, xét về thực tế, Thông tư 03 không chỉ là căn cứ lập dự toán nhiệm vụ KH&CN của các tổ chức chủ trì, còn là căn cứ hàng năm Sở KH&CN lập dự toán chi thường xuyên của Sở để trình HĐND tỉnh quyết định, giao dự toán hàng năm. Vậy, việc UBND tỉnh phê duyệt định mức chi (là cơ sở cho 01 cơ quan nhà nước chi tiêu trong năm) liệu có đúng thẩm quyền? Khung định mức quy định tại Thông tư 03 là Khung định mức của Chính phủ hay có thể hiểu là Khung định mức dùng chung cho cả nước? UBDN tỉnh lấy căn cứ, cơ sở nào phê duyệt định mức chi khi không có Báo cáo đánh giá tác động của việc áp dụng định mức chi đó lên ngân sách nhà nước hàng năm? Và thẩm quyền UBDN tỉnh ban hành định mức chi (theo Thông tư 03) là đúng hay sai? Chúng ta sẽ thực hiện theo Thông tư hay thực hiện theo Luật? 2. Về khúc mắc liên quan đến 01 văn bản tham chiếu tại Thông tư 03: Một trong các yếu tố đầu vào lập dự toán nhiệm vụ KH&CN là nội dung điều tra, khảo sát. Thông tư 03 quy định áp dụng Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Điều 4 của Thông tư số 109 quy định “Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nội dung, mức chi cụ thể cho phù hợp nhưng tối đa không vượt quá mức tối đa quy định tại Điều 3 Thông tư này”. Hiện tỉnh Thanh Hóa chưa có Nghị quyết HDND tỉnh ban hành quy định cụ thể điều này. Như vậy, nếu UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành một nội dung và mức chi mà theo quy định của pháp luật phải do HĐND tỉnh quyết định thì có đúng thẩm quyền hay không? C 3. Về 01 điều, khoản tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa được quy định “hết hiệu lực” cụ thể: điểm c khoản 1 Điều 7 TTLT số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN. Vậy, đây là lõi văn bản hay có thể hiểu Văn bản sau phủ nhận Văn bản trước, chỉ cần thực hiện theo Thông tư 03 và các địa phương không cần thi hành điều khoản này của Thông tư liên tịch số 55? Trên đây là một số băn khoăn, vướng mắc đối vơi Thông tư số 03/2023/TT-BTC của tôi, rất mong được Bộ Tài chính sớm trả lời để thống nhất thực hiện. Trân trọng cảm ơn Quý Bộ!
25/10/2023
Trả lời:

1. Về việc ban hành định mức chi tại địa phương:

- Điểm g, điểm h khoản 9 Điều 30 Luật NSNN quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp:

g) Quyết định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo quy định khung của Chính phủ;

h) Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

- Điều 2 Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 của Bộ Tài chính quy định về nguyên tắc áp dụng định mức lập dự toán kinh phí NSNN thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ:

Các định mức lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước quy định tại Thông tư này là định mức tối đa áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước. Căn cứ quy định tại Thông tư này, các địa phương căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách được giao để phê duyệt định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý để thực hiện thống nhất trong phạm vi địa phương, đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học và công nghệ của địa phương và khả năng cân đối ngân sách được giao, nhưng tối đa không vượt quá định mức quy định tại Thông tư này.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và điều kiện cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bổ sung một số nội dung và mức chi ngoài các nội dung, định mức chi quy định tại Thông tư này để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của địa phương đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tế và theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.”.

2. Về nội dung chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu là yếu tố đầu vào cấu thành dự toán NSNN thực hiện nhiệm vụ KH&CN:

- Khoản 5 Điều 4 Thông tư số 03/2023/TT-BTC quy định: “Dự toán chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc giavà Thông tư số 37/2022/TT-BTC ngày 22/6/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 3 và Mẫu số 01 kèm theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính”.

- Điều 4 Thông tư số 109/2016/TT-BTC quy định: “Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nội dung, mức chi cụ thể cho phù hợp nhưng tối đa không vượt quá mức tối đa quy định tại Điều 3 Thông tư này

3. Về nội dung tại Điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN:

Điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN quy định: “Dự toán tiền công trực tiếp đối với chức danh kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ không quá 20% tổng dự toán tiền công trực tiếp đối với các chức danh quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 5 Thông tư này”.

Điểm a khoản 3 Điều 12 Thông tư số 03/2023/TT-BTC quy định: “Các nội dung sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành: ... điểm b khoản 1 Điều 7 (đối với nội dung quy định về tiền công trực tiếp cho các chức danh thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tính theo ngày công lao động quy đổi); khoản  2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 7; ...

Bộ Tài chính thông tin đến Quý độc giả để biết và thực hiện phù hợp với quy định của Luật NSNN, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN và Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 của Bộ Tài chính. Trường hợp còn vướng mắc liên quan đến các chức danh thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đề nghị Quý độc giả liên hệ với Bộ Khoa học và Công nghệ để được giải đáp cụ thể.