Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính, Tôi là kế toán văn phòng UBND huyện, đầu năm ngân sách 2023 Văn phòng UBND huyện được cấp dự toán mã nguồn 12 Nội dung “kinh phí quản lý hành chính đặc thù” tổng số 2 tỷ đồng. tháng 01/2023 tôi lập chứng từ tạm ứng tổng số 1,8 tỷ bằng tiền mặt với nội dung tạm ứng chi phí nghiệp vụ chuyên môn 600 triệu mã nội dung kinh tế 7049 và tạm ứng 1,2 tỷ chi khác mã nội dung kinh tế 7799. Đến tháng 5/2023 tôi gửi chứng từ thanh toán tạm ứng tổng số hơn 400 triệu đến Kho bạc huyện đề nghị thanh toán cho mã nội dung kinh tế 7049, trong bảng kê chứng từ thanh toán (mẫu số 07 của NĐ 11/2020/NĐ-CP), cột hóa đơn tôi không có để ghi; cột chứng từ tôi ghi số ngày tháng phiếu chi; cột nội dung của tôi có khoảng hơn 80 dòng chỉ ghi nội dung thanh toán là chi phí làm việc với đoàn A, đoàn B, số tiền từ 4.400.000 đồng đến 4.800.000 đồng tùy từng đoàn……ví dụ: (chi phí làm việc với đoàn sở tài nguyên về công tác A, số tiền 4.400.000 đồng; chi phí làm việc với sở công thương về công tác B, số tiền 4.600.000 đồng; Chi phí làm việc với Sở khoa học về công tác C, số tiền 4.800.000 đồng….. cứ như vậy mỗi đoàn một dòng). Kho bạc không chấp nhận thanh toán tạm ứng với lý do: trong mục lục ngân sách không có mục nào là chi làm việc chung chung như thế, mặt khác yêu cầu đơn vị phải ghi rõ nội dung chi hơn để đáp ứng yêu cầu quản lý chi bằng tiền mặt hay phải chuyển khoản và phải có đầy đủ hóa đơn chứng từ đối với mua hàng hóa phục vụ làm việc; ví dụ làm việc với đoàn sở tài nguyên chi nội dung gì phải ghi nội dung đó (in phô tô tài liệu; mua nước uống… phải có hóa đơn chứng từ kê đầy đủ vào mẫu 07, chứ không phải ghi chung chung là chi làm việc một cục … và chỉ có ghi mỗi số phiếu chi vào cột chứng từ như thế). Đến tháng 6/2023 tôi đề nghị thanh toán tạm ứng mục 7799, cũng nội dung tương tự như trên là chi tiếp đoàn Sở tài nguyên về làm việc công tác A (định mức đặt cơm tiếp khách có quy chế chi tiêu nội bộ đúng)… rất nhiều đoàn tổng số thanh toán tạm ứng là 700 triệu, hạch toán thanh toán tạm ứng mục 7761. Kho bạc huyện cũng không chấp nhận thanh toán với lý do theo quy định tại thông tư số 71/2018/TT-BTC chỉ quy định dùng kinh phí tự chủ (nguồn 13) để chi cho nội dung tiếp khách. Vậy Kính mong Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước trả lời giúp tôi. Kho bạc cấp huyện trả lời như vậy đúng chưa để tôi thực hiện?. Kính mong cấp trên không trả lời chung chung cấp dưới khó thực hiện. Rất cảm ơn Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước trung ương.
22/09/2023
Trả lời:

1. Quy định về chế độ tiếp khách:

- Ngày 10/8/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 71/2018/TT-BTC quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước. Tại Điều 3 Thông tư số 71/2018/TT-BTC quy định: “Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiếp khách nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chế độ tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước

1. Ngân sách nhà nước.

2. Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Các khoản đóng góp, ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.

4. Nguồn thu phí được để lại theo quy định của pháp luật phí, lệ phí (trong trường hợp có văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi tiếp khách nước ngoài, chi hội nghị,, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiếp khách trong nước)”.

          - Ngoài ra, tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 31 Thông tư số 71/2018/TT-BTC quy định chi mời cơm như sau: b) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách địa phương quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm đối với từng loại hình cơ quan thuộc tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi ban hành, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

c) Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành văn bản quy định cụ thể đối tượng được mời cơm, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ mức chi quy định tại Thông tư này quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm, mức chi mời cơm cho phù hợp với chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của từng loại hình đơn vị. Các cơ quan, đơn vị chỉ được sử dụng từ nguồn kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để chi mời cơm khách và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bội của cơ quan, đơn vị đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với đặc điểm hoạt động của cơ quan, đơn vị.

- Đồng thời, tại khoản 3 Điều 33 Thông tư số 71/2018/TT-BTC quy định: “3. Cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính căn cứ mức chi cụ thể do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 Thông tư này để quyết định mức chi tiếp khách nước ngoài, tổ chức các hội nghị quốc tế tại Việt Nam, chi tiếp khách trong nước, đảm bảo phù hợp với quy định của Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực”.

2. Quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính:

- Ngày 17/10/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2005/NĐ-CP quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước. Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP thì Văn phòng UBND huyện là đơn vị thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính.

Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP quy định kinh phí quản lý hành chính giao để thực hiện chế độ tự chủ như sau: Kinh phí quản lý hành chính giao cho các cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được xác định và giao hàng năm trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao, kể cả biên chế dự bị (nếu có) và định mức phân bổ ngân sách nhà nước tính trên biên chế; các khoản chi hoạt động nghiệp vụ đặc thù theo chế độ quy định”.

- Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg quy định về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương như sau: “... Căn cứ khả năng tài chính – ngân sách và đặc điểm tình hình ở địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi ngân sách địa phương đảm bảo phù hợp với từng cấp chính quyền địa phương, phù hợp với tính hình thực tế của từng lĩnh vực chi và theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước để làm căn cứ xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách ở địa phương năm 2022, năm đầu của thời kỳ ổn định dự toán ngân sách mới; đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Theo đó, đề nghị Quý độc giả căn cứ theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương và quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước để triển khai thực hiện theo quy định.