![]() |
Hỏi: |
1. Về hồ sơ pháp lý để thanh toán chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật
Tại điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng:
“a) Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt/quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án;”
Theo quy định nêu trên, hồ sơ pháp lý gửi đến Kho bạc Nhà nước để thanh toán chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với các công trình sửa chữa, nâng cấp có tổng mức đầu tư trên 500 triệu được giao dự toán chi thường xuyên được thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
2. Về thủ tục thực hiện cam kết chi
Tại điểm a Khoản 1 Thông tư số 89/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước quy định:
“1. Thông tư này quy định việc quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước áp dụng đối với các khoản chi ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn hằng năm, cụ thể:
a) Tất cả các khoản chi thường xuyên sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, xây lắp với giá trị từ 200 triệu đồng trở lên được thực hiện và thanh toán từ 02 năm ngân sách trở lên.”
Như vậy, đối với các hợp đồng thanh toán cho các công trình được giao dự toán chi thường xuyên có đủ 02 điều kiện là có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, xây lắp với giá trị từ 200 triệu đồng trở lên; được thực hiện và thanh toán từ 02 năm ngân sách trở lên thì làm thủ tục cam kết chi.
3. Về việc áp dụng quy định về tạm ứng vốn
- Tại Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và Tại điểm b Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công quy định: Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa từ 500 triệu đồng trở lên: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kĩ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.
- Theo quy định tại Khoản 7 Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa từ 500 triệu đồng trở lên sử dụng vốn ngân sách nhà nước, việc kiểm soát thanh toán, tạm ứng thực hiện theo quy định về quản lý, kiểm soát thanh toán, tạm ứng vốn đầu tư công.
Do vậy, mức vốn tạm ứng đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa từ 500 triệu đồng trở lên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Đề nghị độc giả nghiên cứu quy định nêu trên.