Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính: Công ty chúng tôi ngày 18/4/2022 có mua 2 máy ép nhựa cũ. Giá mỗi máy chưa VAT là 200 triệu. Một máy chúng tôi đưa vào sử dụng ngày 18/4/2022 để sản xuất hàng hóa. Chúng tôi lựa chọn phương pháp khấu hao đường thẳng, thời gian khấu hao 6 năm. Vậy khi chúng tôi gửi thông báo phương pháp khấu hao tới thuế thì bên tôi có được đăng ký thời điểm bắt đầu trích khấu hao từ tháng 4/2022 không hay là phải đăng ký từ tháng 5/2022. Thời gian trích khấu hao của tháng 4 là từ ngày 18/4 tới cuối tháng để chúng tôi tính chi phí khấu hao cho tháng 4/2022 cho tài sản đó được không hay chúng tôi được trích tròn một tháng? Một máy tới tháng 8/2022 bên tôi mới sử dụng để sản xuất hàng hóa thì tháng 4,5,6,7 năm 2022 chúng tôi có phải trích khấu hao của tài sản này không? Máy mà chúng tôi đã đưa vào sử dụng từ tháng 4/2022 mà do đơn hàng ít tháng 5/2022 máy chỉ được sử dụng có 15 ngày thì chúng tôi có được trích khấu hao tscd đó tròn 1 tháng vào chi phí được trừ khi tính thu nhập doanh nghiệp không? Tháng 6 do không có đơn hàng, máy không được sử dụng thì chi phí khấu hao tscd máy đó ở tháng 6 chúng tôi vó được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập doanh nghiệp không? Tháng 7 năm 2022 bên tôi lại có đơn hàng để sản xuất, máy lại đc sử dụng để sản xuất ra hàng hóa. Chúng tôi mong sớm nhận được cáu trả lời của BTC để áp dụng cho đúng quy định cua pháp luật
11/05/2022
Trả lời:

Căn cứ Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính) hướng dẫn:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

d) Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

Doanh nghiệp thực hiện thông báo phương pháp trích khấu hao tài sản cố định mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi thực hiện trích khấu hao (ví dụ: thông báo lựa chọn thực hiện phương pháp khấu hao đường thẳng...). Hàng năm doanh nghiệp trích khấu hao tài sản cố định theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định kể cả trường hợp khấu hao nhanh (nếu đáp ứng điều kiện).

...

e) Một số trường hợp cụ thể được xác định như sau:

...

- Trường hợp tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 09 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Doanh nghiệp phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu.

Căn cứ Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định như sau:

“Điều 9. Nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ:

1. Tất cả TSCĐ hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, trừ những TSCĐ sau đây:

- TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

- TSCĐ khấu hao chưa hết bị mất.

- TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ TSCĐ thuê tài chính).

- TSCĐ không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

...

2. Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

...

9. Việc trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp.

Điều 13. Phương pháp trích khấu hao tài sản cố định:

...

3. Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ theo quy định tại Thông tư này và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.

...”

Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn về nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ và tính chi phí được trừ như sau:

1. Về thời điểm bắt đầu và kết thúc việc trích khấu hao TSCĐ

Trường hợp Công ty nơi độc giả đã mua TSCĐ gồm 02 máy ép nhựa (đã qua sử dụng, giá trị chưa thuế GTGT là 200 triệu đồng, có đầy đủ hóa đơn GTGT, thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định) để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nếu Công ty ghi tăng TSCĐ trên sổ sách kế toán theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp là ngày 18/4/2022 thì ngày bắt đầu trích khấu hao TSCĐ là ngày 18/4/2022 (bao gồm cả máy ép nhựa đưa vào sản xuất ngay và máy ép nhựa đến tháng 8/2022 mới đưa vào sử dụng theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty). Việc trích khấu hao TSCĐ được thực hiện liên tục từ khi bắt đầu trích khấu hao đến khi kết thúc việc trích khấu hao trong các trường hợp sau: TSCĐ đã khấu hao hết giá trị; TSCĐ được điều chỉnh giảm do thanh lý, nhượng bán hoặc lý do khác.

2. Về phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ

Công ty tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.

Đối với TSCĐ đã qua sử dụng Công ty căn cứ hướng dẫn tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính và Khung thời gian trích khấu hao các loại tài sản cố định trong Phụ lục I (ban hành kèm Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính) để xác định thời gian khấu hao TSCĐ của 02 máy ép nhựa (đã qua sử dụng) Công ty mua nêu trên.

3. Về việc xác định chi phí được trừ:

          Trường hợp, Công ty không có đơn hàng phải dừng sản xuất, máy móc không sử dụng như Công ty trình bày không thuộc trường hợp phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 09 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng. Công ty vẫn phải trích khấu hao TSCĐ trong thời gian dừng sản xuất (như hướng dẫn tại mục 1) nhưng khoản chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian tạm dừng đó không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN do không phục vụ sản xuất kinh doanh.

Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh trả lời để Bà Trần Thị Lưu biết và thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có điều gì vướng mắc, đề nghị Bà Trần Thị Lưu liên hệ với Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh (phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế - ĐT: 0222.3822347) hoặc Chi cục Thuế khu vực Tiên Du – Quế Võ (ĐT: 0222.3838331) để được hướng dẫn và giải đáp./.