![]() |
Hỏi: |
Tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quy định:
- Điểm d khoản 2 Điều 5:
“Điều 5. Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng
2. Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng, gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác; chi phí dự phòng và được quy định cụ thể như sau:
d) Chi phí quản lý dự án là chi phí cần thiết để tổ chức quản lý việc thực hiện và thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng, được quy định chi tiết tại Điều 30 Nghị định này;”
- Khoản 2 Điều 30:
“Điều 30. Chi phí quản lý dự án
2. Nội dung chi phí quản lý dự án gồm tiền lương của cán bộ quản lý dự án; tiền công trả cho người lao động theo hợp đồng; các khoản phụ cấp lương; tiền thưởng; phúc lợi tập thể; các khoản đóng góp (bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; kinh phí công đoàn, trích nộp khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân được hưởng lương từ dự án); ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án; thanh toán các dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng phẩm; thông tin, tuyên truyền, liên lạc; tổ chức hội nghị có liên quan đến dự án; công tác phí; thuê mướn, sửa chữa, mua sắm tài sản phục vụ quản lý dự án; chi phí khác và chi phí dự phòng.”
- Khoản 5 Điều 31:
“Điều 31. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
5. Trường hợp chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng thì được bổ sung chi phí thực hiện các công việc này vào chi phí quản lý dự án.”
- Khoản 1 Điều 42:
“Điều 42. Bộ Tài chính
1. Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.”
Trên cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 42 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 108/2021/TT-BTC ngày 08/12/2021 quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công; tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 108/2021/TT-BTC ngày 08/12/2021 quy định:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Thông tư này quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án đầu tư công của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA).
b) Việc quản lý, sử dụng các khoản thu, chi của các dự án đầu tư không phải là đầu tư công của các chủ đầu tư, BQLDA không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.”
Độc giả có nêu Sở Giao thông vận tải tỉnh được giao dự toán nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt đông kinh tế đường bộ cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống Quốc lộ, tỉnh lộ đồng thời là chủ đầu tư được thu các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án các công trình sửa chữa thuộc nguồn vốn này. Nguồn kinh phí nêu trên không phải là vốn đầu tư công theo quy định tại Luật Đầu tư công; vì vậy, không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư số 108/2021/TT-BTC ngày 08/12/2021 của Bộ Tài chính. Đối với nội dung dự toán thu, chi quản lý dự án các dự án sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ:
- Về nội dung chi kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ: Đề nghị thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 60/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ.
- Về nguồn thu và chi thường xuyên của Ban quản lý dự án: Trường hợp Ban quản lý dự án là đơn vị sự nghiệp công lập, tùy thuộc vào mức độ tự chủ của đơn vị để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đề nghị Quý Độc giả nghiên cứu và thực hiện./.