Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Quý cơ quan cho tôi hỏi: Tôi đang có kế hoạch bán hàng hoá theo hình thức hộ kính doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Bán hàng hoá là gạo, thức ăn chăn nuôi (cám cò) hoặc phân bón phục vụ nông nghiệp - theo hình thức bán lẻ Theo tìm hiểu tại Thông tư 219/2013 thì tôi thấy những mặt hàng nêu trên là những mặt hàng không chịu thuế GTGT. Theo tìm hiểu tại Thông tư 92/2015 thì có 4 nhóm ngành nghề kinh doanh chịu các thuế suất khác nhau đối với thuế GTGT và TNCN. Căn cứ các thông tin dữ liệu nêu trên, Bộ Tài chính cho tôi hỏi hộ kinh doanh của tôi sẽ phải nộp nhưng loại thuế nào và Thuế suất là bao nhiêu. Nếu doanh thu bán hàng hoá những mặt hàng nói trên hàng tháng của tôi là 12 triệu/tháng. Xin trân trọng cảm ơn!
25/07/2019
Trả lời:

Về vấn đề này, Cục Thuế tỉnh Yên Bái có ý kiến như sau:

1. Về Lệ phí môn bài.

          Tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài quy định các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:

“1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.”

Tại Khoản 2, Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài quy định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

2. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;

b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;

c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

2. Về Thuế giá trị gia tăng và Thuế thu nhập cá nhân.

        Tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC, ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Bổ sung Khoản 3a vào Điều 4, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính về đối tượng không chịu thuế như sau:

“ 1. Sửa đổi khoản 1 Điều 4 như sau:

“1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác”.

“ 2. Bổ sung khoản 3a vào Điều 4 như sau:

“3a. Phân bón là các loại phân hữu cơ và phân vô cơ như: phân lân, phân đạm (urê), phân NPK, phân đạm hỗn hợp, phân phốt phát, bồ tạt; phân vi sinh và các loại phân bón khác;

Thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác, bao gồm các loại sản phẩm đã qua chế biến hoặc chưa qua chế biến như cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm, các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản và vật nuôi khác, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi (như premix, hoạt chất và chất mang) theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 5/2/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi và khoản 2, khoản 3 Điều 1 Thông tư số 50/2014/TT-BNNPTNTngày 24/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” ;

Tại Điều 1,Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế quy định về người nộp thuế

1. Người nộp thuế theo hướng dẫn tại Chương I Thông tư này là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là cá nhân kinh doanh). Lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh bao gồm cả một số trường hợp sau:

a) Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

b) Làm đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

c) Hợp tác kinh doanh với tổ chức.

d) Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản không đáp ứng điều kiện được miễn thuế hướng dẫn tại điểm e, khoản 1, Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

2. Người nộp thuế nêu tại khoản 1 Điều này không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.

          3. Về thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với hộ khoán.

 Tại Tiết b.1, Điểm b, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ tài chính  quy định về phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán:

b.1) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau:

-  Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.

-  Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%.

-  Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.

-  Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%” .

           Như vậy căn cứ vào các quy định nêu trên thì đối với trường hợp: hộ kinh doanh kinh doanh các mặt hàng gạo, thức ăn chăn nuôi (cám cò), phân bón phục vụ nông nghiệp có doanh thu 12 triệu đồng/tháng (144 triệu đồng/năm) như trình bày trong nội dung hỏi của Bà Chang thì hộ kinh doanh đó thuộc đối tượng nộp lệ phí môn bài theo quy định, nộp thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu bán gạo, không phải nộp thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu bán thức ăn chăn nuôi (Cám cò), phân bón phục vụ nông nghiệp; phải nộp thuế thu nhập cá nhân trên tổng doanh thu bán các loại hàng hóa nêu trên.

Trên đây là ý kiến trả lời của Cục Thuế tỉnh Yên Bái để độc giả Hoàng Thị Mai Chang được biết và thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại công văn này./.

Gửi phản hồi: