Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Tôi làm ở Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện. Theo các văn bản Hướng dẫn về thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư (bao gồm cả vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư) thì Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện phải thực hiện thẩm định quyết toán vốn đầu tư trên địa bàn. Tuy nhiên, Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017, trong đó tại Điều 5 (Quyết toán kinh phí) có nêu: Các công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng thì các cơ quan, đơn vị tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư 01/2007/TT-BTC ngày 02/01/2007. Chúng tôi hiểu nội dung này là: Khi lập báo cáo quyết toán thì đối với các công trình dưới 500 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thì chỉ cần tổng hợp chung vào các mẫu biểu quyết toán năm theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp chứ không cần phải lập thêm báo cáo Quyết toán riêng theo Thông tư 09/2016/TT-BTC. Còn nội dung thẩm định quyết toán để làm căn cứ cho Chủ đầu tư phê duyệt quyết toán thì phòng Tài chính - Kế hoạch vẫn phải thực hiện. Tuy nhiên, nhiều cơ quan hiện nay lại hiểu là: Cứ công trình từ vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư dưới 500 triệu đồng thì không cần phải thẩm định quyết toán của cấp có thẩm quyền, tự đơn vị làm và tự đơn vị chịu trách nhiệm. Vậy câu hỏi của chúng tôi là: Đối với các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư có giá trị dưới 500 triệu đồng thì Phòng Tài chính - Kế hoạch có phải thẩm định quyết toán không? Và nếu không phải thẩm định quyết toán thì khi lập dự toán đầu tư công trình các đơn vị cần thực hiện theo định mức đầu tư xây dựng không? (vì nếu lập dự toán theo định mức xây dựng thì vẫn được tính chi phí tư vấn, phê duyệt quyết toán...). Đề nghị quý Bộ trả lời sớm để chúng tôi căn cứ thực hiện. Xin trân trọng cảm ơn!
19/10/2018
Trả lời:
1. Về quyết toán đối với công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng:
Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 92/2017/TT-BTC quy định: Các công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng: Các cơ quan, đơn vị tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hàng năm theo quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp (hiện nay được thay thế bằng Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp) và Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02/01/2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp (hiện nay được thay thế bằng Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017 của Bộ Tài chính quy định về xét duyệt, thẩm định, thông báo về tổng hợp quyết toán năm).
Theo đó, các công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán hàng năm và thực hiện xét duyệt, thẩm định quyết toán theo Thông tư sô 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp và Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017 của Bộ Tài chính quy định về xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm.
2. Về lập dự toán công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng:
Tại Điều 39 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng quy định:
- Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình lập kế hoạch bảo trì công trình xây dựng hằng năm trên cơ sở quy định bảo trì được phê duyệt và hiện trạng công trình.
- Việc sửa chữa công trình, thiết bị tùy theo mức độ chi phí, thủ tục được thực hiện như sau: Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị có chi phí dưới 5 trăm triệu đồng từ nguồn vốn NSNN thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tự quyết định về kế hoạch sửa chữa với các nội dung sau: Tên bộ phận công trình hoặc thiết bị cần sửa chữa, thay thế; lý do sửa chữa hoặc thay thế, mục tiêu sửa chữa hoặc thay thế; khối lượng công việc; dự kiến chi phí, dự kiến thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành;
Căn cứ các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, tại Thông tư số 92/2017/TT-BTC quy định hồ sơ tài liệu lập và phân bổ dự toán công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng;
Hồ sơ tài liệu kèm theo khi lập dự toán (điểm b khoản 1 Điều 4): Hồ sơ tài liệu kèm theo dự toán kinh phí sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, bao gồm: Thuyết minh chi tiết về tên công trình; mục tiêu sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng; sự cần thiết, lý do thực hiện; văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền; khối lượng công việc dự kiến; thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc; dự toán kinh phí theo các nguồn vốn và phân kỳ thực hiện hàng năm.

Gửi phản hồi: