Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính. Công ty chúng tôi là công ty 100% vốn nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chúng tôi có thuê một miếng đất để thực hiện dự án đầu tư trong Khu Công Nghiệp Nhơn Trạch II – Đồng Nai. Đất thuê trả tiền một lần đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuê. Vì theo quy định trong thông tư quy định trong thông tư 45/2013/TT-BTC thì tiền thuê đất sau luật đất đai 2003 ghi nhận vào chi phí trả trước và phân bổ, nên chúng tôi đã tiến hàng phân bổ tiền thuê đất hằng năm. Tuy nhiên vì do nhiều nguyên nhân khách quan nên dự án vẫn chưa đi vào đầu tư xây dựng và cũng chưa thể đi vào hoạt động mà phải trả lại đất thuê cho bên cho thuê đất. Tuy nhiên do đất thuê thỏa thuận bằng USD sau đó xuất hóa đơn căn cứ theo tỷ giá USD/VNĐ để tính trị giá xuất hóa đơn, nên có phát sinh thu nhập chịu thuế do chênh lệch tỷ giá lúc thuê và lúc trả lại, đồng thời chúng tôi có thỏa thuận được giá hoàn trả đất thuê cao hơn lúc đi thuê. Nên nay kính nhờ Bộ Tài Chính hướng dẫn giúp chúng tôi những vướng mắc sau: 1. Khi chúng tôi tính thu nhập chịu thuế cho trường hợp này, giá vốn của chúng tôi sẽ tính trên giá trị lúc chúng tôi đi thuê hay giá trị đã trừ phần phân bổ vào chi phí từ thời điểm thuê cho đến lúc hoàn trả đất thuê (chưa có doanh thu kinh doanh) 2. Trong thời gian từ lúc được cấp phép đầu tư hiện nay tuy chưa tiến hành xây dựng cơ bản cũng như chưa đi vào hoạt động, nhưng công ty chúng tôi cũng đã phải thanh toán những khoản thuế chi phí bắt buộc như: Phí kiểm toán, thuế môn bài, phí dịch vụ, phí quản lý vào bảo dưỡng cơ sở hạ tầng (trả cho đơn vị cho thuê đất theo hợp đồng đã ký), và để hoàn trả lại đất thuê với giá cao hơn lúc đi thuê chúng tôi có thuê và trả tiền phí cho cá nhân đến thương lượng với công ty cho thuê đât (cá nhân đã đến chi cục thuế để được cấp hóa đơn lẻ cho trường hợp này)…..các khoản phí này chúng tôi có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tính số thuế TNDN do chuyển nhượng bất động sản trên. Chân thành cảm ơn Quý Bộ Tài Chính.
04/05/2018
Trả lời:
Về việc giá vốn khi trả lại đất thuê cho bên cho thuê đất tính trên giá trị lúc đi thuê hay giá trị đã trừ phần phân bổ vào chi phí từ thời điểm cho thuê đến lúc hoàn trả đất thuê.Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định, quyền sử dụng đất không ghi nhận là tài sản cố định vô hình gồm: “Thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê (thời gian thuê đất sau ngày có hiệu lực thi hành của Luật đất đai năm 2003, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì tiền thuê đất được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh theo số năm thuê đất”.
Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định: “2. Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất (gồm cả chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất theo quy định của pháp luật); Thu nhập từ hoạt động cho thuê lại đất của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về đất đai không phân biệt có hay không có kết cấu hạ tầng, công trình kiến trúc gắn liền với đất; Thu nhập từ chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó nếu không tách riêng giá trị tài sản khi chuyển nhượng không phân biệt có hay không có chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất; Thu nhập từ chuyển nhượng các tài sản gắn liền với đất; Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng nhà ở”.
Việc xác định giá vốn và chi phí chuyển nhượng bất động sản thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
Điều 2 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định: “Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 22% (từ ngày 01/01/2016 áp dụng mức thuế suất 20%), không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ phần thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC)”.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp thuê đất trả tiền một lần, khi trả lại đất cho bên cho thuê thì khoản thu nhập này là thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, doanh nghiệp phải hạch toán riêng để kê khai, nộp thuế TNDN theo quy định. Việc xác định giá vốn và chi phí chuyển nhượng bất động sản thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
Văn bản quy phạm, điều luật liên quan:
-
-
-
-
Quỹ Bảo vệ môi trường cấp tỉnh được
UBND tỉnh quyết định thành lập và ban hành quy chế tổ chức hoạt động. Theo đó,
UBND tỉnh quy định quỹ là đơn vị sự nghiệp công lập, tự đảm bảo toàn bộ chi phí
hoạt động.Căn cứ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP
ngày 21/6/2021, UBND tỉnh ban hành quyết định giao quyền tự chủ tài chính, tự
đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Trên cơ sở đó Hội đồng Quản lý Quỹ ban
hành quy chế quản lý tài chính của Quỹ hướng dẫn, quy định Quỹ áp dụng các điều
khoản trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP và Thông tư 56/2022/TT-BTC. Cho tôi hỏi, khi hạch toán Quỹ căn cứ
vào các quyết định của UBND, Nghị định 60/2021/NĐ-CP, Thông tư 56/2022/TT-BTC
để hạch toán, trong đó có hạch toán nguồn tiền lãi từ tiền nhàn rỗi của Quỹ gửi
các ngân hàng thương mại (do hoạt động cho vay nguồn vốn được cấp luôn quay
vòng nên có khoản nhàn rỗi và các quỹ được trích lập mà Quỹ chưa sử dụng) vào
doanh thu các khoản thu, chi, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, phân phối và sử
dụng các quỹ có được không? Trước khi hạch toán khoản tiền này có phải xin ý
kiến UBND tỉnh chấp thuận nữa hay không?
-
-
Kính gửi BTC
Chúng tôi có câu hỏi như sau:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC về Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ có nội dung sau:
“3. Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN.
Như vậy nội dung “Chi phí đào tạo” quy định trong khoản 3 Điều 3 Thông tu 45 này chỉ áp dụng với các chi phí đào tạo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp có đúng không?
Công ty chúng tôi thành lập đã lâu (từ năm 2004) thì các chi phí đào tạo phát sinh năm 2024 từ các dự án đầu tư có áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 3 thông tư 45/2013/TT-BTC để phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong thời gian tối đa không quá 03 năm không?
Chúng tôi rất mong nhận được câu trả lời của BTC
-
Kính gửi Bộ Tài chính,
Tôi có một câu hỏi liên quan đến việc thanh toán chi phí Quản lý dự án của Dự án có yếu tố vốn ODA như sau:
Hiện tại, đơn vị tôi đang quản lý một dự án có vốn vay ADB (vốn ODA). Theo quy định tại Điều 2 của Thông tư 192/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011:
“Các cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế HCSN khi được điều động sang làm việc chuyên trách hoặc phân công làm việc kiêm nhiệm tại các BQLDA ODA được BQLDA ODA chi trả một khoản phụ cấp quản lý dự án ODA…” Tuy nhiên thông tư 192 đã hết hiệu lực vào ngày 14/12/2023.
Theo đó, tại Tại Điều 2, Thông tư 66/2023/TT-BTC ngày 31/10/2023 bãi bỏ Thông tư 192/TT-BTC có quy định Điều khoản chuyển tiếp như sau:
Đối với chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại được phê duyệt trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 về quản lý và sử dụng vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thì chế độ quản lý tài chính được thực hiện theo quy định pháp luật tương ứng nêu tại Điều 98 của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021.
Dự án ADB đơn vị tôi thực hiện được phê duyệt vào ngày 25/10/2018; trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021, vậy nên chế độ quản lý tài chính của Dự án được thực hiện căn cứ Điều 98 của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021.
Theo đó, tại Khoản 8, Điều 98 của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 quy định: Đối với chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại được phê duyệt trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực, chế độ quản lý tài chính được thực hiện theo quy định pháp luật đang áp dụng về quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.
Vì vậy, chế độ quản lý tài chính của Dự án này được thực hiện theo quy định tại Thông tư 23/2022/TT-BTC ngày 06/4/2022.
Điều 24: Điều khoản chuyển tiếp của Thông tư 23/2022/TT-BTC ngày 06/4/2022 có quy định như sau: Đối với các khoản viện trợ ODA đã được phê duyệt trước ngày có hiệu lực của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ ….. tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 đến thời điểm kết thúc khoản viện trợ được nêu trong Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Dẫn chiếu đến Điểm a, Khoản 2, Điều 12 Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 có nội dung sau:
Định mức chi tiêu nguồn vốn đối ứng: áp dụng định mức chi tiêu quy định tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); trong đó Thông tư nêu rõ được phép chi lương và các khoản phụ cấp quản lý dự án ODA.
Từ những vấn đề trên, kính mong Bộ Tài chính trả lời giúp tôi câu hỏi dưới đây:
Dự án ADB đơn vị tôi đang thực hiện được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào ngày 25/10/2018; trước thời điểm Nghị định 114/2021/NĐ-CP có hiệu lực. Vây trong trường hợp này, đơn vị tôi có được phép thực hiện chi lương và các khoản phụ cấp quản lý dự án ODA theo định mức chi tiêu được quy định tại Thông tư 219/2009/TT-BTC hay không (Mặc dù Thông tư 219/TT-BTC ngày 19/11/2009 đã hết hiệu lực nhưng căn cứ vào điều khoản chuyển tiếp của các văn bản hướng dẫn trên thì Dự án đơn vị tôi đang quản lý vẫn đủ điều kiện để áp dụng các điều khoản chuyển tiếp được quy định trong các văn bản trên).
Kính mong Bộ Tài chính giải đáp và hỗ trợ thắc mắc của tôi.
Tôi xin cảm ơn!
-
-
Hỏi: Kính gửi Bộ Tài chính, tôi là 1 luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, tôi có một số thắc mắc sau, rất mong nhận được sự phản hồi từ phía phòng, ban chuyên môn, có thẩm quyền của Bộ Tài chính:
1. Làm rõ cách hiểu quy định trong Thông tư 05/2017/TT-BTC ngày 16/01/2017 về việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính: - Cơ quan ra Quyết định cưỡng chế đã phê duyệt Dự trù kinh phí Cưỡng chế, gửi cho đối tượng bị cưỡng chế yêu cầu nộp tiền, nhưng đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện nộp; - Cơ quan ra Quyết định Quyết định cưỡng chế đã phê duyệt bổ sung ngân sách có mục tiêu cho việc cưỡng chế. Vậy, cơ quan thi hành Quyết định cưỡng chế có cần thực hiện thủ tục đấu thầu để lựa chọn Nhà thầu thực hiện thủ tục phá dỡ, di dời không hay có thể trực tiếp ký Hợp đồng với Nhà thầu để thực hiện thủ tục phá dỡ, di dời?
2. Xin chân thành cảm ơn quý Bộ!!
-
Kính gửi Bộ Tài chính,
Liên quan tới quy định về Công bố thông tin (CBTT) định kỳ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 (Nghị định 153) và Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 (Nghị định 65), hiện tại công ty chúng tôi đã mua lại trước hạn toàn bộ 3 lô trái phiếu phát hành riêng lẻ (đáo hạn theo kế hoạch là 31/12/2025) nên không còn bất kể dư nợ trái phiếu nào đối với 3 mã trái phiếu nêu trên.
Tuy nhiên căn cứ:
- Nghị định 153, Điều 21, Khoản 1: doanh nghiệp phải công bố thông tin định kỳ 6 tháng và hàng năm tài chính cho đến khi trái phiếu đáo hạn và tại Khoản 2 các báo cáo cần CBTT bao gồm:
(1) Báo cáo tài chính 6 tháng, năm
(2) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu
(3) Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu
- Nghị định 65, Điều 16 sửa đổi bổ sung Khoản 2 Nghị định 153 liên quan tới các báo cáo trên:
(1) Báo cáo tài chính 6 tháng, năm
(2) Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu
(3) Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán.
(4) Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành với người sở hữu trái phiếu
Đề nghị Bộ tài chính hướng dẫn liệu công ty chúng tôi có còn phải:
(i) tiếp tục CBTT cho tới khi đáo hạn theo kế hoạch ban đầu của lô trái phiếu là 31/12/2025 hay chỉ phải CBTT trong năm cuối cùng còn dư nợ trái phiếu là 2024?
(ii) trường hợp phải tiếp tục CBTT cho tới khi đáo hạn kế hoạch trái phiếu là 31/12/2025: thì do không còn dư nợ trái phiếu nào thì chúng tôi không thể kiểm toán trái phiếu còn dư nợ hoặc báo cáo tình hình thực hiện cam kết do không còn người sở hữu trái phiếu theo Nghị định 65, Điều 16 nêu trên. Như vậy chúng tôi chỉ phải CBTT các báo cáo số (1) và (2) nêu trên theo Nghị định 65, Điều 16?
Trân trọng cảm ơn