Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Công ty tôi có thuê nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh (nhà xưởng thuê đã có sẵn nhà xưởng và máy móc, nhà kho, văn phòng, thiết bị). Trên hợp đồng thuê có nội dung: trong quá trình sử dụng nếu bên đi thuê có nhu cầu cải tạo, nâng cấp nhà xưởng thì chi phí đó bên thuê phải chịu. Sau thời gian thuê công ty chúng tôi có cải tạo, nâng cấp, mở rộng nhà xưởng: trát lại tường, sơn lại nền, ngăn chia nhà kho, ...(nhưng không làm thay đổi kết cấu tổng quan bên ngoài nhà xưởng). Vậy chi phí cải tạo nhà xưởng này công ty chúng tôi có được đưa vào làm tài sản cố định và khấu hao không, hay chỉ được cho vào chi phí phân bổ không quá 3 năm.
25/12/2024
Trả lời:

Trả lời phiếu câu hỏi số 161224-6, Cục QLKT có ý kiến như sau:

1-Về kế toán chi phí sửa chữa TSCĐ cho mục đích lập và trình bày Báo cáo tài chính

 Tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 35 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 (Thông tư số 200) hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định:         đ) Chỉ được thay đổi nguyên giá TSCĐ hữu hình trong các trường hợp:

- Đánh giá lại TSCĐ theo quyết định của Nhà nước;

- Xây lắp, trang bị thêm cho TSCĐ;

- Thay đổi bộ phận của TSCĐ hữu hình làm tăng thời gian sử dụng hữu ích, hoặc làm tăng công suất sử dụng của chúng;

- Cải tiến bộ phận của TSCĐ hữu hình làm tăng đáng kể chất lượng sản phẩm sản xuất ra;

- Áp dụng quy trình công nghệ sản xuất mới làm giảm chi phí hoạt động của tài sản so với trước;

- Tháo dỡ một hoặc một số bộ phận của TSCĐ.

e) Các chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì cho TSCĐ hoạt động bình thường không được tính vào giá trị TSCĐ mà được ghi nhận vào chi phí phát sinh trong kỳ. Các TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật phải được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ thì kế toán được trích lập khoản dự phòng phải trả và tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh hàng kỳ để có nguồn trang trải khi phát sinh việc bảo dưỡng, sửa chữa”.

Tại điểm b khoản 1 Điều 47 Thông tư số 200/2014 quy định:“Chi phí sửa chữa TSCĐ phát sinh một lần có giá trị lớn doanh nghiệp không thực hiện trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, phân bổ tối đa không quá 3 năm”.

          Theo nội dung mô tả của Quý độc giả, Công ty của Quý độc giả cải tạo, nâng cấp lại nhà xưởng như trát lại tường, sơn lại nền, ngăn chia nhà kho...và không làm thay đổi kết cấu tổng quan bên ngoài nhà xưởng nhưng Quý độc giả không mô tả rõ việc cải tạo, nâng cấp nhà xưởng của công ty có thuộc các trường hợp được tăng nguyên giá TSCĐ (ví dụ như tăng thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ hoặc tăng công suất của TSCĐ ...) như hướng dẫn tại điểm đ khoản 1 Điều 35 Thông tư số 200 nêu trên hay chỉ duy trì cho TSCĐ hoạt động bình thường. Do đó, đề nghị Quý độc giả căn cứ vào các quy định nêu trên và tình hình thực tế tại doanh nghiệp để ghi nhận các chi phí cải tạo nhà xưởng cho phù hợp với quy định.

          2- Việc xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với khoản chi phí cải tạo nhà xưởng, đề nghị độc giả thực hiện theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

Trên đây là ý kiến của Cục QLKT, kính chuyển Quý Ban trả lời Độc giả theo quy định./.

Gửi phản hồi: