Trả lời câu hỏi của công dân Phạm Thị Thơm, địa chỉ thư
điện tử phamthom1287@gmail.com (địa chỉ tại Chi cục chăn nuôi
và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc), Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí có
ý kiến như sau:
- Tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày
23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Phí và lệ phí (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 Nghị định số
120/2016/NĐ-CP) quy định:
“1. Phí thu từ các
hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước,
trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì
được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị
định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước.
Cơ quan nhà nước được
khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí bao gồm:
a) Cơ quan nhà nước
thực hiện cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính
phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí
quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ
quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản
lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế
tài chính, thu nhập đặc thù theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.
b) Cơ quan đại diện
Việt Nam ở nước ngoài.
c) Cơ quan công an,
quốc phòng được giao cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý nhà nước được
thu phí theo quy định của Luật Phí và lệ
phí”.
- Tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 117/2013/NĐ-CP (bổ sung khoản 1 Điều 1 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP) quy định:
“1. Nghị định này quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách
nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan
nhà nước có tài khoản và con dấu riêng (sau đây gọi tắt là cơ quan thực hiện chế
độ tự chủ), bao gồm:
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
b) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước;
c) Toà án nhân dân các cấp; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp;
d) Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân
dân; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
đ) Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân
dân; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố,
thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
e) Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.”
- Tại điểm b khoản
2 Điều 3 Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 của Bộ Tài chính quy định về
tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 quy định: “Trường hợp tổ chức thu phí áp dụng cơ chế
tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày
17/10/2005, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013
của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế
và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước thì được để lại tiền
phí thu theo quy định để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí.”
- Tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 101/2020/TT-BTC ngày
23/11/2020 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ
phí trong công tác thú y quy định: “2.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ
nguồn thu phí hoặc đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016
của Chính phủ được trích lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho
các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số
120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ; trong đó, các khoản chi khác
liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí bao gồm cả nội dung chi
phòng, chống dịch bệnh cho động vật; nộp 10% tiền phí thu được vào ngân sách
nhà nước theo Chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.”
Căn cứ quy định
trên, trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tài chính
theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP thì được trích để lại tiền phí thu theo quy định để trang
trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí.
Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí trả
lời để công dân được biết./.