Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Hỏi: Kính gửi Bộ Tài chính, tôi là 1 luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, tôi có một số thắc mắc sau, rất mong nhận được sự phản hồi từ phía phòng, ban chuyên môn, có thẩm quyền của Bộ Tài chính: 1. Làm rõ cách hiểu quy định trong Thông tư 05/2017/TT-BTC ngày 16/01/2017 về việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính: - Cơ quan ra Quyết định cưỡng chế đã phê duyệt Dự trù kinh phí Cưỡng chế, gửi cho đối tượng bị cưỡng chế yêu cầu nộp tiền, nhưng đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện nộp; - Cơ quan ra Quyết định Quyết định cưỡng chế đã phê duyệt bổ sung ngân sách có mục tiêu cho việc cưỡng chế. Vậy, cơ quan thi hành Quyết định cưỡng chế có cần thực hiện thủ tục đấu thầu để lựa chọn Nhà thầu thực hiện thủ tục phá dỡ, di dời không hay có thể trực tiếp ký Hợp đồng với Nhà thầu để thực hiện thủ tục phá dỡ, di dời? 2. Xin chân thành cảm ơn quý Bộ!!
18/12/2024
Trả lời:

- Tại Điều 1 Thông tư số 05/2017/TT-BTC về phạm vi điều chỉnh quy định:
1. Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt (sau đây gọi là cưỡng chế) theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sau đây gọi là Nghị định số 166/2013/NĐ-CP).

2. Thông tư này không áp dụng đối với chi phí cưỡng chế trong lĩnh vực thuế, hải quan.”

- Tại Điều 5 Thông tư số 05/2017/TT-BTC về tạm ứng chi phí cưỡng chế quy định:

1. Trước khi tổ chức việc cưỡng chế, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế phải trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt dự trù chi phí cưỡng chế. Dự trù kinh phí cưỡng chế được lập căn cứ vào biện pháp cưỡng chế cần áp dụng, thời gian, địa điểm cưỡng chế, phương án tiến hành cưỡng chế, lực lượng tham gia (số lượng, thành phần tham gia) phục vụ cho cưỡng chế.

Dự trù chi phí cưỡng chế sau khi được phê duyệt phải được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế 01 bản cùng với quyết định cưỡng chế để nộp chi phí cưỡng chế (văn bản ghi rõ ngày, tháng, năm xử phạt, số tiền phải thanh toán, địa chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc số tài khoản nếu thanh toán bằng chuyển khoản và các thông tin cần thiết khác).

2. Trường hợp chưa thu được chi phí cưỡng chế từ đối tượng bị cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện nộp, căn cứ dự trù chi phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế tạm ứng chi phí cưỡng chế từ dự toán kinh phí cưỡng chế của cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế. Mức tạm ứng tối đa bằng mức dự trù chi phí được duyệt của cuộc cưỡng chế trong phạm vi dự toán kinh phí cưỡng chế được giao của cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế.

Hồ sơ tạm ứng bao gồm dự toán năm được cấp có thẩm quyền giao và giấy rút dự toán ngân sách (tạm ứng) theo quy định.”

Theo quy định nêu trên, đối tượng bị cưỡng chế phải chi trả chi phí cưỡng chế. Trong trường hợp chưa thu được chi phí cưỡng chế từ đối tượng bị cưỡng chế, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế tạm ứng chi phí cưỡng chế từ dự toán kinh phí cưỡng chế của cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế. Nội dung hỏi cơ quan thi hành Quyết định cưỡng chế có cần thực hiện thủ tục đấu thầu để lựa chọn Nhà thầu thực hiện thủ tục phá dỡ, di dời không hay có thể trực tiếp ký Hợp đồng với Nhà thầu để thực hiện thủ tục phá dỡ, di dời của độc giả không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 05/2017/TT-BTC. 
Gửi phản hồi: