Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Anh/Chị Ủy ban Chứng Khoán Nhà nước, 12/2023, Em có mua 5.000 cổ phiếu esop theo chương trình esop dành cho nhân viên của công ty X, có quy định hạn chế chuyển nhượng 2 năm và cam kết nếu nghỉ việc phải chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phiếu esop cho công đoàn công ty X. 6/2024, Em có xin thôi việc ở công ty X. Trong thủ tục thôi việc, Em đã ký hồ sơ chuyển nhượng 5.000 cổ phiếu esop đã mua cho công đoàn (theo yêu cầu công đoàn là không ghi ngày chuyển nhượng). Sau khi hoàn tất thủ tục nghỉ việc, Công ty đã có quyết định thôi việc đối với mình, mình đã được thanh toán đầy đủ tiền lương. Nhưng đến hiện tại (10/2024) Công đoàn vẫn chưa trả lại số tiền mua esop cho mình (sau khi đã trừ phí chuyển nhượng). Mình liên hệ lại công ty X thì công ty bảo là chưa thu xếp được nguồn tiền và phải đợi cổ phiếu đến hết thời hạn "hạn chế chuyển nhượng" mới có thể thanh toán tiền cho mình. Nhờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tư vấn cho em trường hợp này. 1. Công ty X có đang làm đúng quy định, nếu không thì em lên làm như thế nào để yêu cầu công ty X hoàn tiền lại cho mình. 2. Khi có cổ phiếu thưởng phát sinh sau thời gian mình nghỉ việc và trước thời gian emn nhận lại được tiền thì cố phiếu thưởng này ai là người sở hữu. Xin cảm ơn Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước.
07/01/2025
Trả lời:

- Trường hợp Công ty X chưa đăng ký cổ phiếu tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC): Việc chuyển nhượng cổ phiếu của Công ty X thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về chứng khoán.

- Trường hợp Công ty X đã đăng ký cổ phiếu tập trung tại VSDC:

+ Việc chuyển nhượng cổ phiếu của Công ty X từ người lao động nghỉ việc trong thời gian hạn chế chuyển nhượng sang Công đoàn Công ty X thực hiện theo quy định tại Điều 50 Luật Chứng khoán 2019, khoản 8 Điều 64 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và điểm r khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán. Theo đó, trường hợp Công đoàn mua lại cổ phiếu ESOP từ người lao động nghỉ việc theo quy chế phát hành cổ phiếu ESOP của Công ty là trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phải phù hợp với phương án phát hành, Quy chế ESOP mà ĐHĐCĐ, HĐQT Công ty X đã thông qua. Sau khi VSDC thực hiện chuyển quyền sở hữu trên cơ sở công văn chấp thuận của UBCKNN, Công đoàn mới được đứng tên sở hữu 5.000 cổ phiếu ESOP mà người lao động đã đề cập.

+ Về việc cổ phiếu thưởng phát sinh sau khi người lao động nghỉ việc và trước khi người lao động nhận được tiền chuyển nhượng cổ phiếu cho Công đoàn của Công ty X: Trường hợp chưa thực hiện chuyển quyền sở hữu 5.000 cổ phiếu ESOP từ người lao động sang cho Công đoàn tại VSDC, cổ phiếu ESOP cùng quyền phát sinh kèm theo vẫn được hạch toán và phân bổ về tài khoản của người lao động. Nếu Quy chế ESOP hoặc Nghị quyết ĐHĐCĐ/HĐQT thông qua phương án phát hành ESOP có nội dung Công đoàn của Công ty X được quyền thu hồi, mua lại toàn bộ cổ phiếu ESOP và các quyền lợi phát sinh từ số cổ phiếu này (cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng) từ người lao động nghỉ việc trong thời gian hạn chế chuyển nhượng thì người lao động phải thực hiện theo quy định này và phối hợp hoàn tất thủ tục để chuyển quyền sở hữu toàn bộ cổ phiếu ESOP cùng cổ phiếu thưởng kèm theo sang cho Công đoàn của Công ty X.  

Gửi phản hồi: