Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Công ty môi giới bảo hiểm đã được cấp Giấy phép chứng nhận thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trong đó Công ty mẹ tại Malaysia chiếm 90% vốn góp, 1 cá nhân tại Việt Nam chiếm 10% vốn góp. Hiện tại, Công ty đã thống nhất về phương án tăng vốn điều lệ, vẫn giữ nguyên tỷ lệ vốn góp như trên. Công ty mẹ đã chuyển phần vốn góp tăng thêm về Việt Nam, nhưng đang bị treo do phía ngân hàng yêu cầu cung cấp hồ sơ để ghi có khoản tiền trên là văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của Bộ Tài chính (do tăng vốn điều lệ là 1 nội dung thay đổi cần được Bộ Tài chính chấp thuận trước khi thay đổi). Khoản tiền trên sau khi được ghi có trên tài khoản vốn của Công ty tại ngân hàng sẽ được phong tỏa để hoàn thiện các hồ sơ xin thay đổi vốn điều lệ theo quy định đến khi được cấp Giấy phép sửa đổi.

Cho tôi hỏi, yêu cầu của ngân hàng như vậy có phù hợp không? Việc công ty mẹ chuyển tiền về trước để tăng vốn điều lệ trước khi hoàn thiện hồ sơ xin Bộ Tài chính chấp thuận nguyên tắc có thực hiện được không? 

09/10/2024
Trả lời:

Trả lời Câu hỏi số 300924-3 của độc giả Nguyễn Huy Toản về việc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH) có ý kiến như sau:

- Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 136 Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi một trong các nội dung sau đây: “Mức vốn điều lệ”.

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc để tăng vốn điều lệ đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm các tài liệu sau:

“a) Văn bản đề nghị thay đổi vốn điều lệ theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Văn bản của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty về việc tăng vốn điều lệ, trong đó nêu rõ số vốn tăng thêm, phương thức tăng vốn và thời gian thực hiện;

c) Phương án huy động và sử dụng vốn điều lệ;

d) Danh sách cổ đông hoặc thành viên dự kiến sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sau khi tăng vốn; tài liệu chứng minh các cổ đông hoặc thành viên này đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 5 Điều 133 Luật Kinh doanh bảo hiểm và Điều 63 Nghị định này. Quy định này không áp dụng đối với các cổ đông hoặc thành viên đã sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trước khi tăng vốn và không áp dụng đối với trường hợp tăng vốn điều lệ theo phương thức chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng.”

- Theo quy định tại khoản 5 Điều 67 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày được Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải hoàn thành việc tăng vốn và nộp Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:

“a) Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo phương án tăng vốn đã được Bộ Tài chính chấp thuận;

b) Xác nhận của ngân hàng về việc các cổ đông hoặc thành viên góp vốn đã nộp đủ số vốn tăng thêm cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm vào tài khoản phong tỏa hoặc xác nhận đã đăng ký bổ sung chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong trường hợp tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu;

c) Các tài liệu theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này đối với trường hợp tăng vốn điều lệ theo phương thức chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng.”

Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc tăng vốn điều lệ, hồ sơ hoàn thành việc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm gửi Bộ Tài chính bao gồm xác nhận của ngân hàng về việc các cổ đông hoặc thành viên góp vốn đã nộp đủ số vốn tăng thêm cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm vào tài khoản phong tỏa.

Trên đây là ý kiến của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, kính gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính tổng hợp, trả lời độc giả Nguyễn Huy Toản./.

Gửi phản hồi: