Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Hiện nay, tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo, trong đó có vị trí việc làm chuyên môn dùng chung Kế toán viên (Mã số 06.031). Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 26 Thông tư số 29/2022/TT-BTC ngày 03 tháng 6 năm 2022 của Bộ Tài chính, các địa phương đưa ra quy định tiêu chuẩn về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với vị trí tuyển dụng Kế toán viên như sau: "Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật". Như vậy, người đăng ký dự tuyển vị trí Kế toán viên bắt buộc phải có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp kế toán hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định. Qua tìm hiểu, các sinh viên học các chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán, Tài chính sau khi ra trường đều không nắm rõ quy định nêu trên nên hầu hết đều chưa đăng ký học các lớp bồi dưỡng Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp kế toán hoặc một số tìm lớp học nhưng không có. Xin hỏi Bộ Tài chính, việc quy định phải có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp kế toán nêu trên có đúng với quy định hiện hành hay không? Có được phép cho nợ Chứng chỉ nêu trên trong kỳ tuyển dụng viên chức, hoàn thiện tiêu chuẩn về chứng chỉ sau kỳ tuyển dụng viên chức được không? Mong sớm nhận được sự quan tâm và phúc đáp của Bộ Tài chính để hướng dẫn các thí sinh kịp thời đăng ký dự thi (thời hạn nộp hồ sơ đến hết ngày 13/9/2024). Xin trân trọng cảm ơn!
05/09/2024
Trả lời:

Căn cứ Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có Quy định như sau:

"Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau:

“2. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan quản lý viên chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng. Nội dung kế hoạch tuyển dụng bao gồm:

a) Số lượng người làm việc được giao và số lượng người làm việc chưa sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Số lượng người cần tuyển ở từng vị trí việc làm, trong đó xác định các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng. Các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng phải có tiêu chuẩn, điều kiện giống nhau, cùng Hội đồng thi, áp dụng hình thức thi viết (vòng 2) và chung đề thi;

c) Số lượng vị trí việc làm cần tuyển đối với người dân tộc thiểu số (nếu có), trong đó xác định rõ chỉ tiêu, cơ cấu dân tộc cần tuyển;

d) Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm;

đ) Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển;

e) Các nội dung khác (nếu có).

Đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này xây dựng và quyết định kế hoạch tuyển dụng theo quy định tại khoản này mà không phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt.”."

          Như vậy, Cấp có thẩm quyền tuyển dụng sẽ quyết định về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm và các nội dung khác (nếu có). Đề nghị ông Trần Hùng căn cứ yêu cầu tại Thông báo tuyển dụng của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển, hồ sơ đăng ký dự tuyển để hoàn thiện hồ sơ dự tuyển theo quy định.

Bộ Tài chính trả lời để độc giả Trần Hùng được biết.

Gửi phản hồi: