1. Tại Quyết định
số 2637/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp
Chàm, tỉnh Ninh Thuận về việc giao quyền tự chủ, chịu trách nhiệm về tài chính
giai đoạn 2022-2026 đối với Trung tâm Chính trị thành phố Phan Rang – Tháp
Chàm, Trung tâm Chính trị thành phố Phan Rang – Tháp Chàm là đơn vị sự nghiệp
công do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
(Qua trao đổi với STC tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm
chính trị cấp huyện theo đề xuất, kiến nghị của độc giả Võ Thị Thu Phượng là
Trung tâm Chính trị thành phố Phan Rang – Tháp Chàm)
2. Tại Điều 28
Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm chính trị cấp huyện ban hành kèm theo
Quyết định số 883-QĐ/BTGTW ngày 24/11/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương quy định:
“Giảng viên chuyên trách giảng dạy trong một năm học là 270 giờ (tương đương
810 giờ hành chính), trong đó giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc giảng
dạy trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định. Một tiết giảng dạy
trên lớp (hoặc dạy trực tuyến) 45 phút được tính bằng 1,0 giờ chuẩn giảng dạy…Giảng
viên có số giờ dạy vượt định mức được hưởng chế độ vượt giờ theo quy định hiện
hành ”.
3. Tại khoản 6
Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 về hướng
dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở
giáo dục công lập quy định: “Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc
bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ
môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có
nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi
học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc
khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân
công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay”; khoản 8 Điều 3 quy định:
“Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông
tư liên tịch này không quá số giờ làm
thêm theo quy định của pháp luật”; khoản 1 Điều 5 quy định: “Đối với các cơ sở
giáo dục công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động
thường xuyên: Kinh phí thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ do ngân sách nhà
nước bảo đảm và giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ sở giáo dục theo
phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành”.
Trung tâm chính
trị thành phố Phan Rang – Tháp Chàm hàng năm sẽ được giao đủ kinh phí theo chỉ
tiêu biên chế được giao tại dự toán đầu năm, trong đó đã bao gồm 01 biên chế vắng
mặt. Vì vậy, trường hợp giảng viên chuyên trách vượt định mức giờ dạy/năm thuộc
kế hoạch phát sinh theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền đảm bảo quy định tại khoản
6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, Trung tâm Chính trị
thành phố Phan Rang – Tháp Chàm sau khi sử dụng hết nguồn kinh phí hoạt động
thường xuyên đã được bố trí dự toán đầu năm sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ
theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư nêu trên.
Vụ NSNN trả lời
để độc giả Võ Thị Thu Phượng được biết./.