1. Điều 19 Nghị định
số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng
và quản lý công chức, quy định như sau:
“Điều 19. Xếp ngạch,
bậc lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức đã có thời
gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Trường hợp
người được tuyển dụng hoặc được tiếp nhận vào làm công chức theo quy định tại
Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo
đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng
bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trước ngày tuyển
dụng, tiếp nhận vào làm công chức (nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm
xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì
được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của
vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp ngạch,
bậc lương phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.
2. Việc xếp
lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận
thực hiện theo quy định hiện hành.”
2. Căn cứ thông tin
của độc giả Hồ Thị Huyền Trang cung cấp, việc thực hiện chế độ hợp đồng một số
loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, ĐVSNCL được thực hiện theo
Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 về thực hiện chế độ hợp đồng một số
loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; Nghị định
161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng
công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện
chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị
sự nghiệp công lập; và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
3. Bộ Tài chính đã
có Công văn số 1227/BTC-TCCB ngày 09/02/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn
vị thuộc Bộ Tài chính về việc xếp ngạch, bậc lương đối với người được tuyển dụng
công chức, viên chức đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc, trong đó
quy định:
(1)
Quy định về thẩm quyền xếp lương (Điểm 3.1 Công văn số 1227/BTC-TCCB ngày
09/02/2023): “a) Đối với các Vụ, Cục và
tương đương thuộc Bộ: Vụ Tổ chức cán bộ chịu trách nhiệm rà soát, báo cáo Bộ về
việc xếp lương đối với các trường hợp được tuyển dụng công chức, viên chức của
các Vụ, Cục và tương đương thuộc Bộ đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt
buộc theo quy định.
b) Đối với
các Tổng cục và tương đương, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ: Giao các Tổng
cục trưởng và tương đương, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập
(ĐVSNCL) thuộc Bộ chịu trách nhiệm rà soát, xếp lương đối với các trường hợp được
tuyển dụng công chức, viên chức vào các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý đã có
thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo quy định và hướng dẫn việc xếp
lương của Bộ Tài chính.”
(2)
Quy định về thời hạn xếp lương (Điểm 3.3 Công văn số 1227/BTC-TCCB ngày
09/02/2023): “Về thời hạn xếp lương: Các
Tổng cục và tương đương, ĐVSNCL thuộc Bộ thực hiện rà soát, xếp lương đối với
các trường hợp được tuyển dụng vào công chức, viên chức có thời gian đóng BHXH
bắt buộc trước khi được tuyển dụng theo quy định dứt điểm theo từng kỳ tuyển dụng.
Thời hạn thực hiện rà soát, xếp lương tối đa 01 năm kể từ ngày ban hành Quyết định
tuyển.
Riêng đối với
các công chức đã được tuyển dụng kể từ ngày 01/12/2020, viên chức đã được tuyển
dụng kể từ ngày 29/9/2020 và trước thời điểm Công văn này ban hành, các Tổng cục,
ĐVSNCL phải hoàn thành công tác xếp lương trong 01 năm kể từ ngày Công văn này
được ban hành”.
Căn
cứ vào các quy định trên, đề nghị độc giả Hồ Thị Huyền Trang căn cứ hướng dẫn,
quy định của Pháp luật, Bộ Tài chính và tại Cục địa phương thuộc ngành Tài
chính để xác định quá trình công tác đóng BHXH đúng theo quy định hiện hành của
pháp luật, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng và thực hiện việc nộp hồ sơ đề
nghị xếp lương, đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn và đảm bảo quyền lợi của công
chức.
Bộ
Tài chính trả lời để độc giả Hồ Thị Huyền Trang được biết.