Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài Chính Liên quan đến hợp đồng bảo hiểm số 2950299387 của công ty TNHH Manulife Việt Nam. Tôi xin trình bày sự việc như sau: Tôi đến ngân hàng SCB để mở sổ tiết kiệm thì nhân viên SCB tư vấn tham gia gói tiết kiệm đầu tư được tặng quyền lợi bảo hiểm. Tôi chỉ có nhu cầu gửi tiết kiệm, không mua bảo hiểm vì đã tham gia 02 gói bảo hiểm rồi, được khẳng định rằng đây là sản phẩm tiết kiệm đầu tư lãi không phải là bảo hiểm nhân thọ. Tôi đã chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản của SCB, sau đó tôi nhận được tin nhắn từ tổng đài của SCB tôi đã “NOP PHI THAM GIA SAN PHAM TAM AN”) làm cho tôi yên tâm rằng đây là sản phẩm tiết kiệm đầu tư ở ngân hàng SCB. Trong toàn bộ quá trình này, tôi chỉ làm việc với nhân viên của SCB và không có các giao dịch khác với đại lý tư vấn bảo hiểm của Manulife. Khi nhận hợp đồng bảo hiểm, thì vẫn được khẳng định rằng sản phẩm tôi tham gia là tiết kiệm đầu tư, hợp đồng bảo hiểm này chỉ là sản phẩm tặng kèm. Sau khi được biết đây chính là bảo hiểm nhân thọ, tôi thấy rằng khi đến NH SCB để gửi tiết kiệm tôi đã bị đánh tráo khái niệm để mua một gói bảo hiểm nhân thọ. Tôi khẳng định, đây là một hành vi lừa dối khách hàng của cả SCB và Manulife. Tôi đã kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm và phát hiện ra các sai phạm như sau: Ngoài chữ ký giống chữ ký của tôi, thì tất cả các phần chữ viết tay và đánh dấu trong Hợp đồng này đều không phải là chữ do tôi kê khai. Tôi cũng không được đề nghị đi khám sức khỏe hoặc cũng không được hỏi về tình trạng sức khỏe hiện tại. Nên các thông tin kê khai trong hợp đồng này đã bị người khác khai khống và khai không đúng sự thật. Khi biết đó là sản phẩm câu kết giữa ngân hàng SCB và công ty Manulife để chuyển tiền của khách hàng từ tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm, tôi đã làm đơn đề nghị Công ty TNHH Manulife Việt Nam: Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm số 2950299387 mà tôi đã ký bị động do nhân viên ngân hàng tư vấn sai và hoàn trả đầy đủ số tiền gốc 200.000.000 đồng mà tôi đã gửi vào “gói đầu tư tiết kiệm”. Sau rất nhiều lần gửi đơn từ, ý kiến, gọi điện, gửi email, ..., nhưng công ty Manulife đã từ chối đề nghị của tôi và vẫn duy trì hợp đồng bảo hiểm lỗi này. Khi tôi nộp Bằng chứng về sức khỏe (theo thư yêu cầu của công ty Manulife), nhân viên dịch vụ khách hàng yêu cầu tôi điền vào Tờ khai thông tin và Đơn yêu cầu thay đổi hợp đồng bảo hiểm, nếu không điền vào hai loại giấy tờ trên thì việc cung cấp bằng chứng không được xem xét. Nên tôi đã điền thông tin vào hai loại giấy tờ trên, và cũng ghi rõ rằng: Thông tin này chỉ để bổ sung thông tin về sức khỏe nhằm cung cấp bằng chứng cho đơn Khiếu nại vì tôi không có nhu cầu tham gia bảo hiểm Tâm An đầu Tư và việc điền thông tin này là do nhân viên yêu cầu. Tuy nhiên, công ty Manulife lại lấy các thông tin này để “đồng ý tiếp tục duy trì hiệu lực hợp đồng bảo hiểm số 2950299387”. Như vậy, với trường hợp của tôi, đến gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB thì bị lừa thành mua Hợp đồng bảo hiểm của Manulife. Gửi đơn Khiếu nại đến Manulife thì họ đề nghị cung cấp bằng chứng cho đơn Khiếu Nại, thì các thông tin nhằm cung cấp bằng chứng để phục vụ cho việc Khiếu này lại bị công ty Manulife lấy làm thông tin để thay đổi hợp đồng bảo hiểm và tiếp tục duy trì một hợp đồng bảo hiểm có rất nhiều sai phạm được lập ra trên cơ sở lừa dối khách hàng. Tôi thực sự rất bức xúc về cách làm việc này của công ty. Và tôi vẫn muốn khiếu nại lên phía Bộ tài chính để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Kính mong được Bộ tài chính vào cuộc giúp đỡ tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
23/05/2024
Trả lời:

Trên cơ sở các quy định pháp luật liên quan, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000 (hiện nay quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 ngày 16/6/2022):Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

2. Theo quy định tại Điều 32 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15: Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trường hợp không thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải hoặc Trọng tài hoặc Tòa án theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật.”.

3. Theo quy định tại Điều 26 Bộ Luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH15 ngày 25/11/2015: Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:...3. Tranh chấp về dân sự, hợp đồng dân sự.

4. Theo quy định tại Điều 15, khoản 1 Điều 34 Bộ Luật Hình sự:  Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội… 

Cơ quan tiến hành tố tụng gồm:a) Cơ quan điều tra;b) Viện kiểm sát;c) Tòa án.

5. Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 145 Bộ Luật Hình sự: Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

- Trường hợp công dân vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm, đề nghị công dân liên hệ với Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) để giải quyết theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan. Trường hợp các bên không thỏa thuận được phương án giải quyết thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng dân sự là Tòa án theo quy định tại Điều 26 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.

- Trường hợp công dân có bằng chứng về việc bị lừa dối, lừa đảo theo quy định tại Điều 174, Điều 198 và Điều 359 Bộ Luật Hình sự thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, chứng minh tội phạm theo quy định tại Điều 15, khoản 1 Điều 34, khoản 1 và khoản 2 Điều 145 Bộ Luật Hình sự.

Bộ Tài chính xin thông tin để công dân được biết./. 

Gửi phản hồi: