Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Chúng tôi là Công ty TNHH Điện Máy Aqua Việt Nam hoạt động sản xuất thiết bị điện tử và điện lạnh gia dụng theo Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp số: 3600257517 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cấp lần đầu ngày 29/12/1995 (gọi tắt là “AEV”). AEV xin trình bày đến Quý Bộ nội dung như sau:

Với các sản phẩm do AEV sản xuất và phân phối, gồm tủ lạnh, máy điều hòa, máy sấy, máy giặt (sản phẩm), trước giờ đều áp dụng chính sách bảo hành tiêu chuẩn theo đúng quy định tại Điều 49 Luật Thương mại 2005 và Điều 446 Bộ luật Dân sự 2015 về nghĩa vụ bảo hành của nhà sản xuất.

Theo đó, thời hạn bảo hành sản phẩm từ 02-03 năm tính từ ngày mua hàng, riêng phần máy nén trong sản phẩm là từ 05-10 năm. AEV cũng đã đăng ký ngành nghề “dịch vụ sửa chữa bảo hành” mã ngành VSIC 9529 theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Nay, nhằm tạo thêm nguồn thu cho hoạt động kinh doanh, AEV dự kiến triển khai Dịch vụ bảo trì sản phẩm (Dịch vụ bảo trì) với chi tiết như sau:

- Đối tượng áp dụng là sản phẩm còn thời hạn bảo hành và không hư hỏng theo tiêu chí của chính sách bảo hành tiêu chuẩn được công khai đến chủ sở hữu sản phẩm (khách hàng) tại thời điểm đăng ký mua.

- Nội dung dịch vụ: Khách hàng trả một lần một khoản phí cố định, đổi lại AEV tiếp tục thực hiện chính sách Bảo hành tiêu chuẩn thêm một khoản thời gian từ 01-03 năm tùy lựa chọn của khách hàng, kể từ ngày kết thúc thời hạn bảo hành.

- Phạm vi dịch vụ bảo trì tương tự như chính sách bảo hành tiêu chuẩn, theo đó AEV sửa chữa hoặc/và thay thế linh kiện miễn phí cho sản phẩm bị hư do lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất. Trường hợp không được xem là “lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất” gồm những hư hỏng: (i) do vận chuyển, sử dụng sai chức năng, lắp đặt không đúng hướng dẫn sử dụng, bảo quản không tốt khiến nước, bụi, cặn bẩn, động vật, côn trùng, vật lạ rơi vào gây hư hỏng sản phẩm; (ii) do nguồn điện không ổn định hoặc sai điện thế, do sử dụng nguồn nước yếu không theo thông số kỹ thuật về áp suất nước được chỉ định trong hướng dẫn sử dụng; (iii) do bị rơi hoặc bị tác động bởi ngoại lực như tai nạn, thiên tai, lũ lụt… làm nứt, móp bể, rỉ sét, ố bẩn hoặc bị ăn mòn bởi hóa chất, chất lỏng đưa vào sản phẩm.

- Cách thức giao kết dịch vụ: Theo một trong ba cách thức tùy lựa chọn của khách hàng, gồm (i) khách hàng mua và thanh toán trực tiếp tại trung tâm bảo hành của AEV; (ii) khách hàng mua và thanh toán trực tiếp khi kỹ thuật viên đến nhà bảo hành sản phẩm; (iii) khách hàng gửi yêu cầu mua qua website hoặc số hotline để được hướng dẫn trực tuyến.

Sau khi nhận thanh toán, AEV gửi tin nhắn đến số di động của khách hàng để xác nhận việc mua thành công, và gửi kèm thông tin về gói bảo trì. Khi tham vấn ý kiến một số đơn vị tư vấn, dịch vụ bảo trì được nhận định là thuộc nhóm dịch vụ “Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại” phân ngành “Bảo hiểm phi nhân thọ” với mã VSIC 6512.

AEV được khuyến nghị xin cấp phép của Bộ Tài chính cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, nhưng điều kiện nội tại của AEV hiện chưa thể đáp ứng tiêu chí về vốn điều lệ và nhân sự quản lý. Vì vậy, AEV rất mong nhận được sự hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc dịch vụ bảo trì liệu có thuộc đối tượng phải xin Giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Mục 1 Chương III Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

Trân trọng!

03/11/2023
Trả lời:

Trả lời Câu hỏi số 080623-1 của độc giả Nguyễn Trần Bảo Uyên về dịch vụ bảo trì sản phẩm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH) có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm:“Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm,chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảohiểm.”

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm:

“Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.”

Liên quan đến nội dung dịch vụ bảo hành sản phẩm do nhà sản xuất, phân phối sản phẩm cung cấp, đề nghị độc giả xin thêm ý kiến của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công thương).

Đề nghị độc giả rà soát, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Trên đây là ý kiến của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, kính gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính tổng hợp, trả lời độc giả Nguyễn Trần Bảo Uyên./.


Gửi phản hồi: