Trả lời câu hỏi của công dân Hoàng Thu Trinh, địa chỉ thư
điện tử thutrinhhoang75@gmail.com (địa chỉ tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh), Bộ
Tài chính có ý kiến như sau:
1.
Về tiền phí sát hạch lái xe được trích để lại
a) Về tiền phí sát hạch lái xe được
trích để lại
- Tại khoản 14 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước quy định: “Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản
thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất
định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức
năng, nhiệm vụ của Nhà nước”.
-
Tại điểm b khoản 1 Điều 5 Luật Ngân
sách nhà nước quy định: “1.
Thu ngân sách nhà nướcbao gồm: …b) Toàn bộ các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà
nước thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các
khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh
nghiệp nhà nước thực hiện nộp ngân sách nhà nướctheo quy định của pháp luật;…”.
-
Tại khoản 2 Điều 8 Luật Ngân
sách nhà nước: “2. Toàn bộ
các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân
sách nhà nước”.
-
Tại điểm a khoản 2 Điều 42 Luật Ngân
sách nhà nước quy định: “2.
Dự toán ngân sách của đơn vị dự toán ngân sách các cập được lập phải thể hiện đầy
đủ các khoản thu, chi theo đúng biểu mẫu, thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quy định. Trong đó: a) Dự toán thu ngân sách được lập trên cơ sở dự báo
các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và các chỉ tiêu có liên quan, các quy định của pháp
luật về thuế, phí, lệ phí và chế độ thu ngân sách; …”.
-
Tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước quy định: “Các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền
giao thu ngân sách nhà nướctừ các khoản phí, lệ phí phải lập dự toán thu các khoản thu phí, lệ phí được
giao gửi cơ quan thuế và cơ quan tài chính cùng cấp”.
-
Tại khoản 4 Điều 11 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số
163/2016/NĐ-CP quy định: “Các cơ quan,
đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí phải lập dự toán thu từng loại phí, lệ
phí, chi tiết tổng số thu, số nộp ngân sách, số được khấu trừ và trích lại theo
quy định của pháp luật, chi tiết từng loại phí, lệ phí và chi ngân sách của cơ
quan, đơn vị theo lĩnh vực, gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tổng hợp, gửi
đơn vị dự toán cấp I tổng hợp chung trong dự toán thu, chi ngân
sách nhà nướctheo quy định”.
- Tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 37/2023/TT-BTC ngày
07/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý
và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên
các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng quy định:
“2.
Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo
quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP được trích để lại 75% số
tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định
tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 25% số tiền phí thu được vào ngân
sách nhà nước.
Trường
hợp tại những địa phương còn khó khăn về điều kiện vật chất, chưa xây dựng được
trung tâm sát hạch đủ điều kiện vật chất nhưng được Bộ Giao thông vận tải cho
phép sát hạch lái xe tại các trung tâm, bãi sát hạch cũ, tổ chức thu phí được
trích để lại 40% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ,
thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 60% số tiền
phí thu được vào ngân sách nhà nước.”
Căn
cứ các quy định trên, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí sát hạch
lái xe phải lập dự toán chi tiết tổng số thu, số nộp ngân sách, số được khấu trừ
và trích lại và chi ngân sách của cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực để gửi cấp có
thẩm quyền. Trên cơ sở đó, thực hiện nộp một phần số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước, phần được để lại quản
lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
b) Về số tiền phí sát hạch được
trích để lại có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu
Luật Đấu thầu và văn bản quy định
chi tiết Luật Đấu thầu do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm
quyền ban hành. Vì vậy, đề nghị công dân hỏi ý kiến Bộ KH&ĐT về phạm vi
điều chỉnh của Luật Đấu thầu để thực hiện theo đúng quy định.
2.
Về chi trả tiền thuê cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kiểm tra chấm điểm,
lưu trữ hồ sơ sát hạch, nhiên liệu của các Trung tâm sát hạch
- Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày
23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Phí và lệ phí quy định: “Cơ quan nhà
nước được khoán chi phí hoạt động bao gồm: a) Cơ quan thực hiện cơ chế tài
chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự
chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành
chính đối với các cơ quan nhà nước...”
- Tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP đã quy định cụ
thể các nội dung chi tiền phí để lại như sau:
“2. Số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí quy
định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định này được chi dùng cho các nội dung
sau đây:
a)
Chi thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước), chi thường xuyên (đối với
đơn vị sự nghiệp công lập)....
-
Các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.
b)
Chi không thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước), chi nhiệm vụ
không thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập)....
-
Chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thực hiện
công việc, dịch vụ và thu phí.”
- Tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 78/2022/TT-BTC
ngày 26/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự
toán ngân sách nhà nước năm 2023 quy định: “Trường
hợp tổ chức thu phí áp dụng cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm
2005, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013
của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế
và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước thì được để lại tiền
phí thu theo quy định để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí.”
- Tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 37/2023/TT-BTC quy định
về quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe.
Căn cứ quy định trên, trường hợp tổ chức thu phí được khoán
chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số
120/2016/NĐ-CP thì được trích để lại 75% (hoặc 40% đối với trường hợp được Bộ
Giao thông vận tải cho phép sát hạch lái xe tại các trung tâm, bãi sát hạch cũ)
số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định
tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP và khoản 2 Điều 5 Thông tư số
37/2023/TT-BTC. Trong đó, bao gồm cả chi trả chi phí thuê cơ sở vật chất,
phương tiện, thiết bị kiểm tra chấm điểm, lưu trữ hồ sơ sát hạch, nhiên liệu của
các Trung tâm sát hạch để phục vụ hoạt động sát hạch lái xe (nếu có).
Bộ Tài chính trả lời để công dân được biết./.