Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Tôi bị lừa mua Bảo hiểm nhân thọ Daiichi khi đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng SHB phòng giao dịch Cẩm Tây với hình thức gửi tiết kiệm đầu tư lãi suất cao kèm quyền lợi chăm sóc sức khỏe. Trong quá trình tư vấn tư vấn viên không tư vấn đúng và cho tôi về sản phẩm bảo hiểm, lãi suất đầu tư. Sau gần 01 năm tìm hiểu qua nhiều kênh tôi phát hiện là mình tham gia Bảo hiểm nhân thọ chứ không phải gửi tiết kiệm đầu tư nhưng nghĩ BHNT là một sản phẩm tốt tôi vẫn tiếp tục tham gia, nhưng sau khi đóng tiền năm thứ hai tôi phát hiện tài khoản của mình bị giảm đi rất nhiều (chỉ có 33 triệu, trong khi tôi đóng 69 triệu với hơn 27 triệu tiền bảo hiểm và 41 triệu tiền đầu tư lãi suất cao). Tôi đã làm việc nhiều lần với nhân viên kinh doanh cao cấp của công ty Bảo hiểm tại khu vực Quảng Ninh và gọi điện đến công ty Bảo hiểm Daiichi và thấy tư vấn viên tư vấn sai cho tôi về lãi suất. Dùng chỉ số tỷ suất sinh lời tư vấn thành lãi suất đầu tư cho khoản đầu tư . Ngày 06/5/2023 tôi gửi tin nhắn và hình ảnh bằng chứng qua email của Công ty Daiichi, đến ngày 01/6 công ty gọi điện báo tôi là không đủ căn cứ sau khi công ty làm việc với tư vấn viên. Tôi đề nghị công ty trả lời tôi bằng văn bản kèm bản tường trình và chứng cứ của tư vấn viên nhưng không được công ty cung cấp. Tôi tiếp tục gửi đơn bằng thư tay đề nghị công ty hủy hợp đồng và bồi hoàn lại tiền đã đóng cho tôi trước ngày 15/6 kèm những tin nhắn của tư vấn cho tôi về nội dung này đến Tổng giám đốc và phòng pháp chế Công ty Bảo hiểm Daiichi ngày 03/6/2023, ngày 05/6 công ty nhận được thư, ngày 07/6 công ty trả lời tôi qua mail đã nhận được thư và đang giải quyết. Đến nay đã quá thời gian tôi yêu cầu là 01 tuần Công ty vẫn chưa có phản hồi lại cho tôi. Tôi muốn hỏi Bộ tài chính với trường hợp của tôi tôi có thể gửi đơn tố cáo kèm bằng chứng đến bộ phận nào của Bộ tài chính? Tôi rất mong được sớm giải quyết vì tôi đã làm việc với công ty Bảo hiểm đến nay là gần nửa năm rồi mà không đạt được kết quả gì. Tôi xin chân thành cảm ơn!
04/07/2023
Trả lời:

Bộ Tài chính nhận được câu hỏi của độc giả về việc mua bảo hiểm của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam qua Ngân hàng SHB phòng giao dịch Cẩm Tây và độc giả có thể gửi đơn tố cáo đến bộ phận nào của Bộ Tài chính?

Theo thông tin cung cấp của độc giả tại câu hỏi gửi Bộ Tài chính, hợp đồng bảo hiểm của độc giả có khả năng được giao kết từ năm 2022 trở về trước (do đã đóng phí tại năm thứ 2). Trên cơ sở quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định pháp luật có liên quan, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

- Khoản 1 Điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 quy định: 1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.”.

- Điểm a khoản 2 Điều 85 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm: “a) Thực hiện cam kết trong hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài”;

- Điểm đ khoản 1 Điều 84 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động đại lý bảo hiểm: “Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm”.

- Điều 88 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết; đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm”.

- Điều 174 Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...”.

- Điểm a khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27/11/2015 quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình”.

- Nội dung phản ánh của độc giả liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm và quản lý đại lý bảo hiểm, thuộc thẩm quyền giải quyết của doanh nghiệp bảo hiểm. Trường hợp độc giả phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27/11/2015.

Bộ Tài chính thông tin để độc giả được biết./.


Gửi phản hồi: