Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Cơ quan tôi là đơn vị sự nghiệp, có hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng chế độ kế toán HCSN theo thông tư 107. Năm 2022, sau khi rà soát thì phát hiện có sai sót của năm 2019, cụ thể là: Khi trả tiền cho đối tượng đang theo dõi ở TK phải trả khác, nếu đúng thì phải hạch toán Nợ 3388/có 112, nhưng lại hạch toán sai sót là Nợ 154/Có 112 (số tiền 1.600.000 đồng) Căn cứ theo chuẩn mực kế toán số 29: 23. Doanh nghiệp phải điều chỉnh hồi tố những sai sót trọng yếu liên quan đến các kỳ trước vào báo cáo tài chính phát hành ngay sau thời điểm phát hiện ra sai sót. Căn cứ theo Khoản 3 Điều 27 Luật Kế toán 2015: Trường hợp phát hiện sổ kế toán có sai sót sau khi báo cáo tài chính năm đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trên sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh về việc này. Căn cứ theo khoản 8 Điều 5 Thông tư 107 hướng dẫn CĐKT HCSN: Sau khi đã nộp báo cáo tài chính, đối với sổ kế toán tài chính, kế toán sửa chữa sổ kế toán tài chính năm phát hiện theo phương pháp quy định tài tiết a khoản 8 điều này (Ghi điều chỉnh bằng cách lập “chứng từ điều chỉnh” và ghi thêm số chênh lệch cho đúng.) Căn cứ theo Khoản 5 điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC: Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế. Với trường hợp trên, số tiền nhỏ nên đơn vị đánh giá là sai sót không trọng yếu thì theo chuẩn mực kế toán, Luật kế toán và thông tư 107: đơn vị sẽ hạch toán điều chỉnh vào năm phát hiện (Nợ 3388/Có 154) Tuy nhiên, sai sót này có liên quan đến TK 154 gây tăng chi phí, giảm thuế TNDN của năm sai sót nên nếu theo thông tư 200 thì đơn vị phải nộp lại báo cáo tài chính, tờ khai thuế của các năm trước, nghĩa là đơn vị sẽ phải điều chỉnh hồi tố về năm sai sót. Mong Bộ Tài chính hướng dẫn việc điều chỉnh sai sót trong trường hợp này sẽ làm điều chỉnh vào năm phát hiện như một bút toán phát sinh trong kỳ hay điều chỉnh hồi tố về năm sai sót.
05/04/2023
Trả lời:

 Nội dung thư độc giả hỏi về hạch toán điều chỉnh đối với sai sót trên sổ kế toán của năm 2019, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

          1. Về xử lý sai sót của năm trước:

Qua nội dung thư hỏi, trên sổ kế toán năm 2019,  đơn vị đã hạch toán bút toán sai là Nợ TK 154/Có TK 112 thay vì bút toán đúng là Nợ TK 3388/Có TK 112. Việc hạch toán như vậy dẫn đến ảnh hưởng đến các khoản Phải trả khác, Thuế Thu nhập doanh nghiệp và Thặng dư (thâm hụt) lũy kế năm 2019.

Tại khoản 3 Điều 27 Luật Kế toán quy định: “Trường hợp phát hiện sổ kế toán có sai sót sau khi báo cáo tài chính năm đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trên sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh về việc sửa chữa này.”.

           Theo đó, đơn vị cần thực hiện điều chỉnh các tài khoản bị ảnh hưởng trên sổ kế toán năm 2022 và thuyết minh về việc điều chỉnh này trên báo cáo tài chính năm 2022. Đồng thời, phải xử lý phần Thặng dư (thâm hụt) của năm 2019 theo quy định của cơ chế tài chính.

          2. Về việc áp dụng Chuẩn mực kế toán số 29 và Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp:

           Tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định: “Trường hợp đơn vị nhóm 1 xây dựng đề án quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp”.

           Theo đó, chỉ có đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 đáp ứng quy định nêu trên mới thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp và Chuẩn mực kế toán số 29 “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”.

           Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.

Gửi phản hồi: