Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính. Theo Khoản 9, điều 40, Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2012 của Bộ tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định: “Khi lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải xác định giá trị khoản đầu tư bị tổn thất để trích lập dự phòng tổn thất đầu tư” Theo điều 45, Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2012 của Bộ tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định: “Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác: Là khoản dự phòng tổn thất do doanh nghiệp nhận vốn góp đầu tư (công ty con, liên doanh, liên kết) bị lỗ dẫn đến nhà đầu tư có khả năng mất vốn hoặc khoản dự phòng do suy giảm giá trị các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết”. Xin hỏi hiện tại một doanh nghiệp (công ty mẹ) có khoản đầu tư ra nước ngoài (công ty con - hoạt động kinh doanh có lãi, thời gian hoạt động của dự án là dài hạn và công ty mẹ không có nhu cầu thoái vốn tại công ty con), hàng năm dùng BCTC của công ty con được lập bằng đồng tiền ngoại tệ để chuyển đổi sang BCTC bằng VND theo quy định. BCTC sau khi chuyển đổi xuất hiện chênh lệch âm trên khoản mục "Chênh chênh tỷ giá hối đoái - mã số 417" làm cho khoản mục "Vốn chủ sở hữu - mã số 410" thấp hơn khoản mục "Vốn góp của chủ sở hữu - mã số 411" trên Bảng cân đối kế toán. Vậy trên BCTC riêng của công ty mẹ có thực hiện việc trích lập dự phòng tổn thất đầu tư hay không?
05/04/2023
Trả lời:
        Về nội dung thư độc giả hỏi, Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán- Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Phương pháp chuyển đổi Báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam

Việc chuyển đổi Báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam để công bố thông tin ra công chúng và nộp các cơ quan quản lý nhà nước được quy định tại Khoản 2 Điều 107 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp. Đề nghị doanh nghiệp căn cứ vào quy định nêu trên để xem xét việc chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam của công ty con có phù hợp với quy định hay không.

2. Về việc dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác

 Điểm b khoản 1.1 và điểm a khoản 1.3 Điều 45 Thông tư số 200/2014/TT- BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp có quy định:

“b) Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác: Là khoản dự phòng tổn thất do doanh nghiệp nhận vốn góp đầu tư (công ty con, liên doanh, liên kết) bị lỗ dẫn đến nhà đầu tư có khả năng mất vốn hoặc khoản dự phòng do suy giảm giá trị các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết.”

“a) Đối với các đơn vị được đầu tư là công ty mẹ, căn cứ để nhà đầu tư trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác là Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ đó. Đối với các đơn vị được đầu tư là doanh nghiệp độc lập không có công ty con, căn cứ để nhà đầu tư trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác là Báo cáo tài chính của bên được đầu tư đó”

Căn cứ vào quy định nêu trên, thì trường hợp bên nhận góp vốn (công ty con) bị lỗ dẫn đến khả năng bên đầu tư (công ty mẹ) có khả năng bị mất vốn hoặc suy giảm giá trị các khoản đầu tư vào công ty con thì bên đầu tư thực hiện trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác. Tuy nhiên, đối với trường hợp mà Quý độc giả mô tả thì công ty con đang hoạt động kinh doanh có lãi, việc phát sinh chênh lệch âm trên khoản mục “Chênh lệch tỷ giá hối đoái - Mã số 417” làm cho khoản mục “Vốn chủ sở hữu - Mã số 410” thấp hơn khoản mục “Vốn góp của chủ sở hữu - Mã số 411”  là do chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ của công ty con sang Đồng Việt Nam, không phải là lỗ từ hoạt động đầu tư. Do đó, nếu Công ty mẹ có bằng chứng cho thấy không có khả năng mất vốn hoặc giá trị khoản đầu tư vào công ty con không có dấu hiệu bị suy giảm thì Công ty mẹ không thực hiện trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác.

         Đề nghị Quý độc giả nghiên cứu và thực hiện./.
Gửi phản hồi: