Nội dung thư độc giả hỏi liên quan đến hạch toán trích kinh phí cải
cách tiền lương (CCTL) từ nguồn phí được khấu trừ, để lại theo Thông tư
107/2017/TT-BTC. Về vấn đề này Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017
của Bộ Tài chính quy định về hạch toán nhận và sử dụng đối với
nguồn phí
được khấu trừ, để lại như sau:
- Khi phát sinh khoản thu phí, đơn vị ghi Có Tài khoản (TK) 337 “Tạm thu” (3373).
Định kỳ, đơn vị xác định số phải nộp NSNN theo quy định của pháp luật về phí,
lệ phí (hoặc nộp cấp trên (nếu có)); đối với số phí được khấu trừ, để lại đơn
vị theo tỷ lệ quy định, đơn vị hạch toán đơn trên tài khoản ngoài bảng, ghi Nợ TK
014 “Phí được khấu trừ, để lại”.
- Khi
phát sinh chi phí hoặc mua sắm tài sản từ nguồn phí được khấu
trừ, để lại thì đồng thời với việc hạch toán chi phí hoặc
ghi tăng tài sản, kế toán phải kết chuyển từ khoản tạm thu (TK 3373)) vào doanh
thu từ nguồn phí được khấu trừ, để lại (TK 514) hoặc các khoản nhận trước chưa
ghi thu (TK 366). Cuối kỳ, đối với số tiết kiệm chi trong năm từ nguồn phí được khấu trừ, để
lại, kế toán kết chuyển từ khoản tạm thu (TK 3373) vào doanh thu (TK
514). Đồng thời với các bút toán trong bảng nêu
trên, đơn vị ghi Có TK 014 để theo dõi và báo cáo quyết toán số đã thực sử dụng từ nguồn kinh
phí này cho hoạt động của đơn vị trong năm.
Việc đơn vị trích kinh phí CCTL hàng năm nhằm đảm bảo có nguồn
chi cho người lao động khi Nhà nước có chính sách tăng lương, theo đó khoản
trích kinh phí CCTL là khoản đơn vị chưa sử dụng. Đối với kinh phí CCTL từ
nguồn phí được khấu trừ, để lại nhưng chưa sử dụng thì số dư kinh phí CCTL
từ nguồn phí
được khấu trừ, để lại vẫn tiếp tục được theo dõi trên TK 3373 (số dư bên Có) và TK 014 (số dư bên Nợ).
Việc hạch toán trích lập nguồn CCTL trên TK 468 “Nguồn cải
cách tiền lương” chỉ phát sinh đối với các khoản đã được ghi vào doanh thu
trong kỳ nên số dư trên TK 468 không bao gồm kinh phí CCTL trích lập từ nguồn
phí được khấu trừ, để lại.
Do vậy, khi phát sinh khoản chi lương tính
vào nguồn CCTL từ nguồn phí được khấu trừ, để lại, đơn vị sẽ hạch toán vào các tài khoản
trong bảng và ngoài bảng giống như các khoản chi khác từ nguồn phí được khấu
trừ, để lại.
2. Đối với tình huống độc giả phản ánh việc bút toán Nợ TK 421/Có TK
468 (bút toán trích lập nguồn CCTL đối với các khoản đã được
ghi vào doanh thu trong kỳ) làm chỉ tiêu “Thặng dư (thâm hụt)” trên Báo cáo kết quả hoạt động (Mẫu
B02/BCTC) bị âm; phản ánh này là chưa chính xác vì theo quy định của Thông tư
số 107/2017/TT-BTC, chỉ tiêu thặng dư (thâm hụt) trên Báo cáo kết quả hoạt động
được xác định căn cứ số liệu doanh thu, chi phí phát sinh trong kỳ của đơn vị.
Bút toán trích lập nguồn CCTL không làm ảnh hưởng đến số liệu doanh thu, chi
phí trong kỳ nên số liệu thặng dư (thâm hụt) trên Báo cáo kết quả hoạt động của
đơn vị không bị tác động bởi số trích lập nguồn CCTL.
Đề nghị độc giả nghiên cứu, thực hiện./.