Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Quý Cơ Quan, công ty chúng tôi thuộc ngành 5229 (Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải). Căn cứ theo khoản 4 điều 9 NĐ 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về hóa đơn điện tử. "4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau: a) Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác như trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện (trừ đối tượng quy định tại điểm h khoản này), nước, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát (bao gồm cả dịch vụ đại lý, dịch vụ thu hộ, chi hộ), dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ logistic, dịch vụ công nghệ thông tin (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này) được bán theo kỳ nhất định, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với người mua." Và theo Điều 1 và Điều 3 Nghị định 15/2022-NĐ/CP về mức giảm thuế GTGT được áp dụng từ 01/02/2022 đến hết 31/12/2022. Như vậy trong năm 2022 chúng tôi có xuất hóa đơn cho khách hàng "phí vận chuyển nội địa" với thuế suất 8%. Nhưng sang năm 2023 phát hiện hóa đơn sai thông tin MST, tên công ty và địa chỉ. Khách hàng yêu cầu hủy và xuất thay thế hóa đơn mới trong năm 2023 (Mà không chấp nhận xuất hóa đơn điều chỉnh thông tin). Khách hàng phản hồi do căn cứ theo khoản 4 điều 9 NĐ 123/2020/NĐ-CP nên dịch vụ Logistics được xuất hóa đơn đến 07/01/2023 với thuế suất 8% mà không bị xử phạt hành vi xuất sai thời điểm. Như vậy thì có được phép xuất hóa đơn thay thế 2023 với thuế suất 8% không? Kính mong Quý Cơ quan có hướng dẫn cụ thể để Công ty chúng tôi chấp hành đúng quy định của luật thuế.
18/01/2023
Trả lời:

Căn cứ Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn giảm thuế quy định giảm thuế giá trị gia tăng.

+ Tại Điều 1 quy định về giảm thuế giá trị gia tăng:

“...

2. Mức giảm thuế giá trị gia tăng

a) Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này…”

+ Tại Điều 3 quy định như sau:

“Điều 3. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.

Điều 1 Nghị định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.”

Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:

+ Tại Điều 19 quy định về xử lý hóa đơn có sai sót:

“…

2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.

b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có

thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót; sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế)...”

Căn cứ các quy định trên, Chi Cục Thuế Quận Bình Thạnh có ý kiến như sau:

Trường hợp công ty của bà Nguyễn Thị Thủy Tiên sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, có thực hiện lập hóa đơn điện tử, đã gửi cho người mua, sau đó phát hiện có sai sót thông tin mã số thuế, tên công ty, địa chỉ thì công ty lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Đề nghị bà Nguyễn Thị Thủy Tiên căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị và đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên để thực hiện theo đúng quy định.

Chi Cục Thuế Quận Bình Thạnh trả lời để bà Nguyễn Thị Thủy Tiên được biết và thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này./.

Gửi phản hồi: