Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Chúng tôi là công ty Sato TNHH Sangyo Việt Nam, địa chỉ tại Lô D8H &D8G, Đường DE 6, KCN. Mỹ Phước 3, TX . Bến Cát, tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất đồ gỗ thất của Nhật Bản. Công ty được thành thành lập theo giấy phép đầu tư số 3248322701 do Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cấp ngày 14/07/2021 (chuyển đổi từ giấy chứng nhận số 462043001147 ngày 13/10/2014). Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 3700635868 do Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương cấp ngày 08/10/2021. Người đại diện theo pháp luật là Bà Sato Ayami, chức vụ tổng giám đốc. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, để đáp ứng đơn hàng cũng như tăng thu nhập cho người lao động, chúng tôi đã tổ chức tăng ca theo Điều 107 Bộ luật lao động số 45 /2019/QH14 ngày 20/11/2019 của Quốc hội và Điều 04 Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 23/03/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên trên thực tế, vào mùa hàng cao điểm công nhân chúng tôi phải làm thêm khá nhiều. Mặc dù đã tuyển lao động thời vụ nhưng lao động thời vụ khó đáp ứng được yêu cầu công việc và không đủ vào những dịp cận tết Nguyên đán. Để đáp ứng đơn hàng gấp, không thể trì hoãn, chúng tôi buộc phải tổ chức tăng ca vượt quá 300/năm. Việc tổ chức tăng ca được sự đồng ý bằng văn bản của toàn thể người lao động. Việc thanh toán tiền lương, tiền làm thêm giờ được thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng Vietcombank có chứng từ đầy đủ. Nay Công ty làm công văn kính mong Tổng cục thuế - Bộ tài chính giải đáp thắc mắc giúp chúng tôi: Phần chi phí cho số giờ tăng ca vượt 300 giờ/năm mà công ty đã trả cho người lao động, chúng có được phép hạch toán vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp không?. Chúng tôi phải làm gì để chi phí vượt quá 300h được tính là chi phí được trừ. Rất mong được Bộ tài chính/Tổng Cục Thuế giải đáp để chúng tôi tuân thủ theo đúng quy định của Pháp luật Kính mong sự giúp đỡ từ Bộ tài chính/ Tổng cục Thuế. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ Bà Trần Thị Hiển, điện thoại 0274 3767600 hoặc 0918 135115. Thành thật biết ơn và trân trọng kính chào!.
16/03/2023
Trả lời:

Căn cứ Điều 106 Bộ Luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/06/2012 quy định về việc làm thêm giờ như sau:

“Điều 106. Làm thêm giờ

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ”.

Căn cứ Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định:

“Điều 4. Làm thêm giờ

1. Số giờ làm thêm trong ngày được quy định như sau:

a) Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày;

b) Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

2. Việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm được quy định như sau:

a) Các trường hợp sau đây được tổ chức làm thêm:

- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;

- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.

b) Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.

3. Thời gian nghỉ bù theo Điểm c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động được quy định như sau:

a) Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ;

b) Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động.

Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ tài chính quy định:

Điều 6.Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

1.Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

...

2.Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

...

2.6.Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.

b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

…”.

Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế tỉnh Bình Dương hướng dẫn về nguyên tắc cho Bà như sau:

Trường hợp của Công ty Bà nếu do nguyên nhân khách quan và có lý do chính đáng nên Công ty cho người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ làm thêm theo mức quy định của Bộ Luật Lao động (Công ty phải có thông báo với Sở Lao động Thương binh và Xã Hội bằng văn bản và được chấp nhận tổ chức làm thêm giờ) thì khoản tiền làm thêm giờ vượt quá số giờ làm thêm theo quy định Công ty thực trả cho người lao động nếu có đầy đủ chứng từ theo quy định tại các văn bản về thuế TNDN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Đề nghị Bà Trần Thị Hiển căn cứ hướng dẫn nêu trên, đối chiếu với tình hình thực tế tại đơn vị để thực hiện đúng quy định.

Trên đây là ý kiến của Cục Thuế tỉnh Bình Dương hướng dẫn cho Bà Trần Thị Hiển biết để thực hiện./.

Gửi phản hồi: