Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính: Về việc Thuế TNCN đối với cá nhân người nước ngoài là không cư trú tại Việt Nam Công Ty chúng tôi có 1 chuyên gia nước ngoài được công ty mẹ cử qua nhà máy đặt tại Việt Nam để làm việc. Thuộc đối tượng di chuyển nội bộ và xác định là cá nhân không cư trú tại Việt Nam trong năm 2022 có phát sinh những vấn đề sau: + Thu nhập của chuyên gia được công ty mẹ ở Nhật trả toàn bộ + Riêng các khoản thuê nhà, chi phí đi lại ở VN thì công ty VN chi trả (có thỏa thuận 2 bên) + Người đại diện theo pháp luật trên giấy CNĐK KD là của Công Ty tại VN ở nước ngoài và đã ủy quyền cho 1 người thuộc cư trú làm đại diện cho công ty ở VN Căn cứ khoản 2 điều 15 về hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (áp dụng cho VN-Nhật Bản) thì chuyên gia của chúng tôi có thuộc đối tượng được miễn thuế TNCN hay không? Nếu được thì hồ sơ chúng tôi cần để thực hiện xin miễn thuế là gì? Xin cảm ơn.
14/12/2022
Trả lời:

- Căn cứ Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn người nộp thuế:

“Điều 1. Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chỉnh phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP.

Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:

Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;

Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Víệt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập... ”

- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đồi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

+ Tại Khoản 2 Điều 2 quy định các khoản chịu thuế TNCN:

“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công thu nhập từ tiền lương, tiền cộng là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a)Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức... ”

…đ.1) Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có).

...đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

…đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chỉ áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. ”

…đ.7) Các khoản lợi ích khác… ”

- Căn cứ Điều 31 Thông tư 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành hướng dẫn xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ dịch vụ cá nhân phụ thuộc:

“Điều 31 . Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ dịch vụ cá nhân phụ thuộc

1. Theo quy định tai Hiệp định, một cá nhân là đối tượng cư trú của nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có thu nhập từ hoat động làm công tai Việt Nam sẽ phải nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập làm công đó tại Việt Nam theo các qui định hiện hành về thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam...

2. Nếu cá nhân nêu tại Khoản 1 đồng thời thỏa mãn cả 3 điều kiện sau đây, tiền công thu được từ công việc thực hiện tại Việt Nam sẽ được miễn thuế thu nhập tại Việt Nam:

a) Cá nhân đó có mặt tai Việt Nam dưới 183 ngày trong giai đoạn 12 tháng bắt đầu hoặc kết thúc trong năm tính thuế;

b) Chủ lao động không phải là đối tượng cư trú của Việt Nam bất kể tiền công đó được trả trực tiếp bởi chủ lao động hoặc thông qua một đốt tượng đại diện cho chủ lao động;

c) Tiền công đó không do một cơ sở thường trú mà chủ lao động có tại Việt Nam chịu và phài trả”.

- Căn cứ Điều 62 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính quy định như sau:

“Điều 62. Thủ tục hồ sơ miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (Hiệp định thuế)

...2. Đối với cá nhân nước ngoài:

...a.1) Trong thời hạn 15 ngày trước khi thực hiện hợp đồng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam: Cá nhân nước ngoài gửi cho bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập Hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế theo Hiệp định thuế để nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của bên Việt Nam cùng với hồ sơ khai thuế của lần khai thuế đầu tiên. Hồ sơ gồm:

a.1.1) Văn bản đề nghị theo mẫu số 01/HTQT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này;

a.1.2) Bản gốc (hoặc bản sao đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do cơ quan thuế cấp ngay trước năm đề nghị miễn, giảm thuế theo Hiệp định thuế đã được hợp pháp hóa lãnh sự;

a.1.3) Bản sao Hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản sao đó (nếu có);

a.1.4) Bản sao Hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại Việt Nam (đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh) hoặc bản sao giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc của khoản thu nhập (đối với các loại thu nhập khác) và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản sao đó;

...”

- Căn cứ Hiệp định giữa Chính Phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính Phủ Nhật Bản về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập:

+ Tại Điều 1 quy định:

“Điều 1. Phạm vi áp dụng.

Hiệp định này được áp dụng cho các đối tượng là những đối tượng cư trú của một hoặc của cả hai Nước ký kết.”

+ Tại Điều 15 quy định:

“1/ Thể theo các quy định tại Điều 16, 18 và 19 các khoản tiền lương, tiền công, và các khoản tiền thù lao tương tự khác do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước ký kết đó, trừ khi công việc của đối tượng đó được thực hiện tại Nước ký kết kia. Nếu công việc làm công được thực hiện như vậy, số tiền công trả cho lao động đó có thể bị đánh thuế tại Nước ký kết kia.

2/ Mặc dù có những quy định tại khoản 1, tiền công do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công tại Nước ký kết kia sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước thứ nhất nếu:

a. Người nhận tiền hiện có mặt tại Nước kia trong một thời gian hoặc nhiều khoảng thời gian gộp lại không qúa 183 ngày trong năm dương lịch liên quan, và

b. Chủ lao động hay đối tượng đại diện chủ lao động trả tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú taị Nước kia, và

c) Số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở thường trú hoặc một cơ sở cố định mà đối tượng chủ lao động có tại Nước kia.

3/ Mặc dù có những quy định của các khoản của Điều này, tiền công từ công từ lao động làm trên tàu thủy hoặc máy bay do một xí nghiệp của một Nước ký kết điều hành trong vận tải quốc tế sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước ký kết đó.”

Căn cứ vào các quy định trên và theo trình bày tại công văn hỏi, trường hợp Chuyên gia nước ngoài sang công tác tai Việt Nam thì chi phí tiền phòng, đi lại mà công ty tại Việt Nam chi trả và tiền lương trong quá trình đi công tác tại Việt Nam mà công ty mẹ ở Nhật Bản chi trả cho chuyên gia đều là thu nhập chịu thuế TNCN. Trường hợp chuyên gia nước ngoài nêu trên là cá nhân cư trú của Nước ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam (Nhật Bản) thì khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam sẽ được miễn thuế TNCN tại Việt Nam nếu chuyên gia nước Nhật Bản đồng thời thỏa mãn cả 3 điều kiện nêu tai Khoản 2 Điều 15 của Hiệp định giữa Chính Phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập theo quy định tại Điều 31 Thông tư 205/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Thủ tục miễn thuế do áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ khác được thực hiện theo quy định tại Điều 62 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.

Trên đây là báo cáo của Cục Thuế tỉnh Bình Dương gửi Tổng cục Thuế phúc đáp vướng mắc của độc giả Nguyễn Thị Tươi./.

Gửi phản hồi: