Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, hiện nay Bộ đã ban hành thông tư 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 hướng dẫn nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó có đưa ra ví dụ 1, Mục A, Phụ lục 1 kèm theo thông tư như sau: A. Ví dụ về việc xác định mức tư bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp 1. Ví dụ 1: Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông Y: a) Các nguồn thu xác định mức độ tự chủ như sau (A): - Ngân sách nhà nước cấp bù kinh phí cho cơ sở để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí là 1.000 triệu đồng; - Thu học phí là 2.000 triệu đồng; - Thu hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.200 triệu đồng (các hoạt động phục vụ bán trú, câu lạc bộ). Chi phí để đảm bảo cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN là 1.000 triệu đồng (trong đó bao gồm chi tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương cho 6 người hưởng lương từ nguồn thu dịch vụ không sử dụng NSNN). Chênh lệch thu lớn hơn chi từ hoạt động dịch vụ là 200 triệu đồng. Như vậy, tổng cộng các nguồn thu của cơ sở Y để xác định phương án tự chủ là 3.200 triệu đồng (1.000 + 2.000 + 200). b) Các khoản chi thường xuyên giao tự chủ (B), gồm: - Chi tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương theo số người được giao làm nhiệm vụ hoặc số lượng vị trí việc làm được phê duyệt[1]: 4.000 triệu đồng (trong đó hưởng lương từ NSNN là 30 người, hưởng lương từ nguồn thu là 14 người (20 người - 6 người)); - Chi hoạt động chuyên môn, quản lý, chi mua sắm, sửa chữa tài sản thường xuyên và các khoản chi thường xuyên khác: 1.700 triệu đồng. Như vậy, tổng cộng các khoản chi thường xuyên trong năm là 5.700 triệu đồng. c) Mức tự bảo đảm chi thường xuyên (A/B) được xác định như sau: 3.200 triệu đồng/5.700 triệu đồng x 100% = 56,1%. Như vậy, cơ sở giáo dục Y được phân loại là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3). d) Xác định mức kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên là: 5.700 triệu đồng - 3.200 triệu đồng = 1.500 triệu đồng. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư số 46/2019/TT-BTC quy định: “Đối với số thu học phí chính quy: sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ tính trên toàn bộ số thu học phí (bao gồm cả kinh phí được ngân sách nhà nước cấp bù học phí theo quy định)”. Do đó, trong trường hợp xác định 40% số thu học phí để thực hiện CCTL là nguồn thu xác định mức độ tự chủ (A) thì các đơn vị trường học sẽ thiếu đúng số 40% số thu học phí để thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên. Đối với số chênh lệch nói trên chưa được hướng dẫn để xử lý. Kính mong quý Bộ quan tâm, sớm giải đáp thắc mắc để đơn vị thực hiện đúng quy định. Xin chân thành cảm ơn.
16/12/2022
Trả lời:

Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự ngiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, tại Chương II đã quy định về phân loại, xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời tại phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2022/TT-BTC nêu trên đã có các ví dụ cụ thể về cách xác định mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp trong từng lĩnh vực. Trong đó, tại Mục A phụ lục 01 Ví dụ về cách xác định mức chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, các nguồn thu xác định mức độ tự chủ (A) bao gồm số thu học phí; không đề cập đến việc trích nguồn cải cách tiền lương tại ví dụ vì việc trích nguồn cải cách tiền lương được thực hiện theo quy định tại các Thông tư điều hành dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và Thông tư xác định nhu cầu trích nguồn cải cách tiền lương của Bộ Tài chính (khi Nhà nước thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở hoặc Nhà nước ban hành chế độ tiền lương mới). Theo đó, đơn vị nhóm 1, nhóm 2 tự quyết định mức trích tạo nguồn cải cách tiền lương; nhóm 3, nhóm 4 thực hiện trích theo tỷ lệ quy định tại các Thông tư trên. Việc đưa vào ví dụ sẽ chỉ đúng với từng nhóm đơn vị và không phù hợp khi các văn bản hướng dẫn trích nguồn cải cách tiền lương thay đổi.

 Đối với năm 2022, việc trích lập nguồn thực hiện cải cách tiền lương được quy định tại Điều 4 Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó tại khoản 3 Điều 4 quy định việc thực hiện tạo nguồn để tích lũy thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2022-2025:

Điều 4. Thực hiện cơ chế tạo nguồn năm 2022 để thực hiện tiền lương, trợ cấp

3. Năm 2022, các địa phương thực hiện tạo nguồn để tích lũy thực hiện cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2022-2025, gồm:

d) …

- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:

+ Đối với số thu dịch vụ (bao gồm cả thu học phí), các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác: sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định)…

đ) Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao khoán kinh phí và tự bảo đảm tiền lương: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương”

Theo đó, đơn vị SNCL nhóm 1, nhóm 2 tự quyết định mức trích nguồn cải cách tiền lương; các đơn vị nhóm 3, 4 trích nguồn cải cách tiền lương đối với số thu học phí tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi thực hiện nghĩa vụ với nhà nước theo quy định). Trường hợp đơn vị  không có chênh lệch thu lớn hơn chi đối với hoạt động dịch vụ đào tạo (thu học phí), thì không thực hiện trích nguồn cải cách tiền lương từ số thu học phí. Trong trường hợp này, đơn vị sẽ đưa toàn bộ số thu học phí vào nguồn thu xác định tự chủ chi thường xuyên (A).

Do đó, việc xác định nội dung thu, chi khi xây dựng phương án tự chủ tài chính của các ĐVSNCL đề nghị căn cứ theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính và các Thông tư hướng dẫn trích nguồn cải cách tiền lương để thực hiện.

Gửi phản hồi: