Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ tài chính Công ty chúng tôi là công ty thương mại xuất bán trực tiếp cho các trang trại chăn nuôi và các khách hàng khác, chuyên kinh doanh Các loại máy, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: -Xi lanh (bơm tiêm) các loại; dây truyền dịch; dẫn tinh quản các loại; dây gieo tinh; đèn sưởi ấm các loại; núm uống các loại; bộ kìm săm số tai; thẻ đeo tai lợn bò các loại; kim tiêm các loại; dao mổ Theo như công văn số 1677/BTC-TCT V/v thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày 29/01/2016 có hướng dẫn Các loại máy, thiết bị chuyên dùng trên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, các hóa đơn đầu vào , nhà cung cấp đều xuất hóa đơn các mặt hàng trên là chịu thuế GTGT 5% or 10%. Chúng tôi có yêu cầu bên họ xuất không chịu thuế nhưng họ nói không được và phải xuất như thế. Vậy chúng tôi muốn hỏi rằng, chúng tôi phải xuất hóa đơn với mức thuế suất là bao nhiêu cho phù hợp với quy định. Các hóa đơn đầu vào của chúng tôi như trên là đã đúng thuế suất hay chưa? Rất mong sớm nhận được phản hồi của BTC. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
20/09/2022
Trả lời:

- Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính Phủ quy định về Hóa đơn, Chứng từ.

+ Tại Điều 19.Xử lý hóa đơn có sai sót quy định như sau:

“Điều 19.Xử lý hóa đơn có sai sót

2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

...

b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

       Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

 

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

…”

           - Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài Chính quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) quy định như sau:

       “2. Bổ sung khoản 3a vào Điều 4 như sau:

       “3a. Phân bón là các loại phân hữu cơ và phân vô cơ như: phân lân, phân đạm (urê), phân NPK, phân đạm hỗn hợp, phân phốt phát, bồ tạt; phân vi sinh và các loại phân bón khác;

                 …

         Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gồm: máy cày; máy bừa; máy phay; máy rạch hàng; máy bạt gốc; thiết bị san phẳng đồng ruộng; máy gieo hạt; máy cấy; máy trồng mía; hệ thống máy sản xuất mạ thảm; máy xới, máy vun luống, máy vãi, rắc phân, bón phân; máy, bình phun thuốc bảo vệ thực vật; máy thu hoạch lúa, ngô, mía, cà phê, bông; máy thu hoạch củ, quả, rễ; máy đốn chè, máy hái chè; máy tuốt đập lúa; máy bóc bẹ tẽ hạt ngô; máy tẽ ngô; máy đập đậu tương; máy bóc vỏ lạc; xát vỏ cà phê; máy, thiết bị sơ chế cà phê, thóc ướt; máy sấy nông sản (lúa, ngô, cà phê, tiêu, điều...), thủy sản; máy thu gom, bốc mía, lúa, rơm rạ trên đồng; máy ấp, nở trứng gia cầm; máy thu hoạch cỏ, máy đóng kiện rơm, cỏ; máy vắt sữa và các loại máy chuyên dùng khác.””

   + Tại công văn số 1677/BTC-TCT ngày 29/01/2016 của Bộ Tài Chính về  thuế   GTGT đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp

 gửi Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn như sau:

“1. Các loại máy, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 3 Luật số 71/2014/QHl3 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm:

h) Xi lanh (bơm tiêm) các loại; dây truyền dịch; dẫn tinh quản các loại; dây gieo tinh; đèn sưởi ấm các loại; núm uống các loại; bộ kìm săm số tai; thẻ đeo tai lợn bò các loại; kim tiêm các loại; dao mổ; dao gọt móng; bộ dụng cụ dùng để phẫu thuật; bộ dụng cụ sản khoa; bộ xử lý móng bò; kim khâu vết thương; kim thông vú bò;

…”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty Độc giả xuất bán các loại máy, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật thì các mặt hàng này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài Chính.

Trường hợp Công ty Độc giả đã lập hóa đơn và đã kê khai mức thuế suất chưa đúng với mức thuế suất theo quy định của pháp luật thì thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Đề nghị Công ty Độc giả căn cứ vào quy định pháp luật, đối chiếu với tình hình thực tế để thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị Độc giả cung cấp hồ sơ liên quan đến vướng mắc và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.

Gửi phản hồi: