Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính: qua nghiên cứu các văn bản quy định liên quan về quản lý, thanh, quyết toán các dự án đầu tư xây dựng, tôi có một số vướng mắc đề nghị Bộ Tài chính giải đáp, như sau: đơn vị tôi được cấp kinh phí vào dự toán chi thường xuyên năm 2022 (tài khoản 9527, mã nguồn 12, mã loại khoản 292, kinh phí sự nghiệp giao thông) sửa chữa 02 công trình giao thông với tổng mức đầu tư lần lượt là: công trình A có tổng mức đầu tư 600 triệu đồng, công trình B có tổng mức đầu tư 02 tỷ đồng. Thực hiện thiết kế 01 bước, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Tổ chức thực hiện trong 01 năm ngân sách. 1. Căn cứ quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP và Nghị định 99/2021/NĐ-CP. Đối với 02 công trình nêu trên, thì kho bạc thực hiện kiểm soát thanh toán theo quy định tại nghị định 99/2021/NĐ-CP. Đơn vị thực hiện đã các bước đầu tư theo quy định của pháp luật. Trong đó, công trình A đã ký hợp đồng thực hiện lập báo cáo kinh tế kỹ thuật vào năm 2021, sau khi báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt thì cơ quan có thẩm quyền mới phê duyệt kế hoạch vốn cho năm 2022, giao vốn năm 2022. Công trình B ký hợp đồng thực hiện lập báo cáo kinh tế kỹ thuật vào năm 2022. Giao vốn năm 2022 vào dự toán giao đầu năm 2022. Vậy khi thực hiện thanh toán chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật của Công trình A, công trình B với Kho bạc nhà nước, đơn vị cần phải chuẩn bị Hồ sơ pháp lý nộp kho bạc nhà nước theo thành phần quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 hay điểm c khoản 1 Điều 9 của Nghị định 99/2021/NĐ-CP? 2. Đối với cả 02 công trình nêu trên, đơn vị có phải thực hiện thủ tục cam kết chi với kho bạc nhà nước hay không? (công trình A có hợp đồng xây lắp có giá là 510 triệu, công trình B có hợp đồng xây lắp có giá là 1 tỷ 600 triệu). 3. Đối việc tạm ứng cho nhà thầu, Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định mức tạm ứng tối đa là 30% giá trị hợp đồng (đối với đầu tư công), Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định mức tối đa là 50% giá trị hợp đồng. Vậy khi ký hợp đồng với nhà thầu, đơn vị áp dụng quy định tạm ứng tại Nghị định nào? Với nội dung trên, kính đề nghị Bộ Tài chính giải đáp các vướng mắc nêu trên để đơn vị triển khai thực hiện quản lý, thanh, quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật. Xin cảm ơn !
16/08/2022
Trả lời:

1. Về hồ sơ pháp lý để thanh toán chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật

Tại điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng:

a) Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt/quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án;

Theo quy định nêu trên, hồ sơ pháp lý gửi đến Kho bạc Nhà nước để thanh toán chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với các công trình sửa chữa, nâng cấp có tổng mức đầu tư trên 500 triệu được giao dự toán chi thường xuyên được thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

2. Về thủ tục thực hiện cam kết chi

Tại điểm a Khoản 1 Thông tư số 89/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước quy định:

1. Thông tư này quy định việc quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước áp dụng đối với các khoản chi ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn hằng năm, cụ thể:

a) Tất cả các khoản chi thường xuyên sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, xây lắp với giá trị từ 200 triệu đồng trở lên được thực hiện và thanh toán từ 02 năm ngân sách trở lên.

Như vậy, đối với các hợp đồng thanh toán cho các công trình được giao dự toán chi thường xuyên có đủ 02 điều kiện là có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, xây lắp với giá trị từ 200 triệu đồng trở lên; được thực hiện và thanh toán từ 02 năm ngân sách trở lên thì làm thủ tục cam kết chi.

3. Về việc áp dụng quy định về tạm ứng vốn

- Tại Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và Tại điểm b Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của  Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công quy định: Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa từ 500 triệu đồng trở lên: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kĩ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

- Theo quy định tại Khoản 7 Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa từ 500 triệu đồng trở lên sử dụng vốn ngân sách nhà nước, việc kiểm soát thanh toán, tạm ứng thực hiện theo quy định về quản lý, kiểm soát thanh toán, tạm ứng vốn đầu tư công.

Do vậy, mức vốn tạm ứng đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa từ 500 triệu đồng trở lên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Đề nghị độc giả nghiên cứu quy định nêu trên.

Gửi phản hồi: