Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính! Công ty tôi chuyên hoạt động trong lĩnh vực may gia công, chúng tôi có 1 công ty con. Năm 2018, nhận được đơn hàng của khách hàng A, chúng tôi mua nguyên vật liệu trên công ty mẹ (địa điểm mua nguyên vật liệu do khách hàng chỉ định) và đặt may gia công tại công ty con. Lô sản phẩm của khách hàng A (là khách hàng quốc tế) bị lỗi hỏng, khách hàng từ chối nhận hàng và thanh toán tiền. Nguyên nhân có một phần là do công nghệ may gia công của công ty con có vấn đề, thêm yếu tố khách quan từ chất lượng của nguyên vật liệu không đạt làm ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm. Khi xác định nguyên nhân trách nhiệm, Hội đồng quản trị công ty xác định mỗi bên chịu thiệt hại một đầu, công ty mẹ chịu thiệt hại về nguyên vật liệu, công ty con chịu thiệt hại về chi phí gia công. Cho đến đầu năm 2022, vẫn chưa giải quyết dứt điểm hợp đồng kinh tế trên, để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh, thực hiện theo hướng dẫn của thông tư 48/2019/TT-BTC về trích lập dự phòng. Công ty mẹ thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với lô nguyên vật liệu không đạt chất lượng, dẫn đến giá trị thuần có thể thu hồi được thấp hơn giá gốc, và công ty con cũng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho khoản gia công không thu hồi được. Tôi đang muốn hỏi, việc trích lập dự phòng như vậy có đúng quy định hay không? Khi công ty mẹ bán thanh lý được lô nguyên vật liệu đó, và thực hiện sử dụng phần dự phòng đã trích lập để bù đắp chi phí thanh lý thì công ty con cũng phải xử lý khoản chi phí gia công không thu hồi được. Việc công ty con trích lập khoản chi phí gia công không thu hồi được có đúng không? và phương án xử lý sau này như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!
26/07/2022
Trả lời:

- Tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Thông tư số 48 quy định:

“1. Thông tư này hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư, dự phòng tổn thất nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng làm cơ sở xác định khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Việc trích lập các khoản dự phòng cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính của các tổ chức kinh tế thực hiện theo pháp luật về kế toán.”

Căn cứ quy định nêu trên, phạm vi áp dụng quy định về lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của doanh nghiệp tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC là cho mục đích xác định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp còn việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính thực hiện theo pháp luật về kế toán (chuẩn mực và chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam hiện hành).

- Nội dung câu hỏi của độc giả chưa cung cấp đầy đủ thông tin. Do đó,
đề nghị độc giả làm rõ các vấn đề sau:

+ Chủ thể ký kết hợp đồng với khách hàng quốc tế A;

+ Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

+ Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp./.


undefined
Gửi phản hồi: